Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngăn rối loạn cơ thể bằng… dinh dưỡng

Tạp Chí Giáo Dục

Uống sữa đều đặn hằng ngày giúp NCT tăng cường sức khỏe, góp phần làm chậm quá trình lão hóa

TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh (Trưởng phòng Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho rằng dinh dưỡng hợp lý là một trong các biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa những biến đổi và rối loạn trong các cơ quan cũng như hệ thống cơ thể ở người cao tuổi (NCT).
Những yếu tố ảnh hưởng nhu cầu dinh dưỡng NCT
Thói quen ăn uống của NCT được hình thành và duy trì trong một thời gian dài. Người 70 hoặc 80 tuổi thì thói quen ăn uống được hình thành vào 50 – 60 năm trước, khi nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, chế độ ăn chủ yếu là tinh bột. Do vậy, nhiều NCT vẫn giữ thói quen ăn cơm là chủ yếu, ít thức ăn chứa đạm, béo, thích ăn mặn, ăn nhiều rau nhưng ít trái cây nên có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu dưỡng chất cần thiết. Thực phẩm cũng có mối liên quan từ lúc trẻ nên ảnh hưởng rất lớn đối với NCT, đặc biệt sẽ có tác dụng giúp cơ thể mau hồi phục khi ốm đau, căng thẳng, cô độc… Nhiều NCT cho rằng sữa chỉ dành cho trẻ con và không cần thiết cho người lớn; hoặc khi bị tiêu chảy nên nhịn ăn sẽ tốt cho sức khỏe… Chính những quan điểm này gây không ít trở ngại cho việc giáo dục về dinh dưỡng ở họ.
Điều kiện kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến chế độ ăn uống của NCT. Chế độ lương hưu thấp hay việc sống dựa vào con cháu thường làm cho NCT ăn ít lại, nhất là những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, yaourt, trái cây…
Về mặt tâm lý, NCT khi ăn một mình thường có khuynh hướng ăn uống thất thường, có khi sơ sài và bỏ bữa. Bữa ăn sum họp gia đình sẽ giúp NCT vui vẻ và ăn đầy đủ hơn. Sự lo âu, phiền muộn và căng thẳng tinh thần thường gây nên tình trạng chán ăn. Điều này dẫn đến giảm tiết dịch tiêu hóa, hậu quả sâu xa hơn là giảm hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. 
Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh ở NCT có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các dưỡng chất theo nhiều cách khác nhau. Một số thuốc làm thay đổi khẩu vị và khả năng nhận biết mùi sẽ làm giảm sự ngon miệng, sở thích ăn uống. Nhiều thuốc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, có thể làm thay đổi PH của dịch vị trong dạ dày, giảm tiết dịch tiêu hóa gây ức chế hấp thu một số dưỡng chất… Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể làm tăng nhu cầu sử dụng một số dưỡng chất nhất định.
Sử dụng thực phẩm như thế nào để… lâu già?
Ăn đa dạng thực phẩm để nhận được nhiều loại dưỡng chất cần thiết. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu năng lượng ở người trên 60 tuổi là 1.900kcal (nam) và 1.800kcal (nữ). Song, nhiều NCT không ăn đủ nhu cầu do mệt mỏi và thiếu sự quan tâm đến sức khỏe. Tăng cường vận động có thể sẽ làm tăng sự ngon miệng, giúp NCT “nạp” đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nhu cầu chất đạm ở NCT không khác so với lúc trẻ (khoảng 55-60g protein/ngày). Tuy nhiên khả năng tiêu hóa và hấp thụ đạm ở NCT lại kém, khả năng tổng hợp protein của cơ thể cũng giảm nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm. Để bảo đảm đủ chất đạm, nên ăn cá nhiều hơn thịt (ăn ít nhất 3 lần cá/tuần), ăn không quá 3 trứng/tuần, tăng sử dụng đạm thực vật ở đậu hủ, sữa đậu nành, các loại đậu… Hạn chế thực phẩm nhiều đường ngọt, bánh kẹo, nước ngọt, kể cả mật ong… Nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, giảm cơm và dùng thêm các loại ngô khoai.
Hoạt động tiêu hóa và hấp thụ ở NCT thường kém hiệu quả hơn lúc trẻ nên dễ dẫn đến thiếu vitamin, kali, thiếu canxi gây loãng xương (nhất là ở phụ nữ mãn kinh), thiếu máu, thiếu sắt gây mệt mỏi, chóng mặt, giảm trí nhớ, kém tập trung, khô sạm da… NCT nên uống 1-2 ly sữa/ngày và ăn tôm tép, cá nhỏ ăn luôn xương để bổ sung lượng canxi. Chất xơ giúp thải chất độc qua đường tiêu hóa, hạn chế táo bón, giảm hấp thụ cholesterol từ chế độ ăn vào cơ thể. Để nhận đủ vitamin và chất xơ, NCT nên ăn khoảng 200-300g rau và 2-3 phần trái cây mỗi ngày (một phần trái cây tương đương 1 trái chuối, 1 trái cam, 1 trái lê hoặc 1/2 ly nước ép trái cây). Uống đủ nước (6-8 ly mỗi ngày) ngay cả khi không khát vì NCT thường nhạy cảm với cảm giác khát nước. Hạn chế muối và các thực phẩm mặn (mắm, khô, dưa muối, đồ hộp…). Dù muối là loại gia vị phổ biến hằng ngày nhưng cơ thể chỉ cần một lượng rất ít (3-5g/ngày). Thói quen ăn mặn sẽ dẫn đến nguy cơ cao huyết áp. Ở NCT, men giúp ly giải mô mỡ (men Lipaz) cũng giảm hoạt động nên dễ có nguy cơ mỡ trong máu. Vì vậy, NCT nên hạn chế chất béo, đặc biệt là mỡ động vật, nên thay bằng dầu thực vật. Lượng cholesterol trong khẩu phần khuyến nghị là 300mg/ngày. Ngoài ra, cũng nên tránh thức uống có cồn.
MÊ TÂM

Bình luận (0)