Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngân sách cấp cho trường chậm và thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường gặp không ít khó khăn
Chiều 5-2, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuộc họp cho gần 300 người gồm hiệu trưởng và kế toán các trường THPT công lập, bán công. Nội dung cuộc họp nhằm thông tin đến từng đơn vị số tiền phân bổ hoạt động cho năm 2009.
Được biết, theo báo cáo của UBND TP.HCM ngân sách dành cho GD-ĐT hàng năm luôn nằm ở tỷ lệ 20 – 22% tổng ngân sách của thành phố. Đây là một tỷ lệ khá lớn. Tuy nhiên với số lượng cán bộ giáo viên của thành phố lên đến hơn 65 ngàn người, cho nên tỷ lệ dù lớn cũng chỉ đủ để trả lương. Chính vì thế những chi phí cho việc mua trang thiết bị phục vụ cho dạy và học, sửa chữa bàn ghế hư hỏng, tiền điện nước… của các đơn vị giáo dục gặp không ít khó khăn. Nhiều đơn vị ngoài việc tính toán dè xẻn phải vận động các đơn vị, cá nhân hảo tâm hay phụ huynh học sinh đóng góp hỗ trợ. Đối với các trường THPT, chỉ tính riêng tiền điện nước có trường mỗi tháng phải trả con số lên đến hàng chục triệu đồng. Cụ thể như các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền… hay như Trường THPT Nguyễn Khuyến tiền điện mỗi tháng gần 20 triệu đồng. Việc chi trả tiền nước của các trường cũng chiếm con số hàng chục triệu mỗi tháng. Trong khi ngân sách phân bổ cho hạng mục này chỉ ở con số vài triệu đồng/tháng. Một hiệu trưởng giải thích: “Nếu một phòng học chỉ trang bị từ 2 đến 4 bóng đèn chắc chắn học sinh sẽ không thấy rõ những ghi chép trên bảng, dẫn đến chép bài chậm và bị bệnh về mắt. Vì vậy chúng tôi phải trang bị thêm bóng đèn. Khi số bóng đèn tăng lên, tiền điện tăng theo”. Thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nói: “Nhà trường phải nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc chi trả tiền điện. Chúng tôi đã mời phụ huynh đến thực địa để họ thấy độ sáng tối của từng phòng học. Cuối cùng họ đồng ý trang bị mỗi phòng học 8 bóng đèn (1,2 m) và chia sẻ với nhà trường tiền điện”.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng thuận lợi như trường chuyên Lê Hồng Phong. Một hiệu trưởng tâm sự: “Một số vị phụ huynh trong Ban đại diện khi thấy cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn họ tự động kêu gọi phụ huynh đóng góp, một vài người không đồng ý đã gửi đơn thư đến các cơ quan truyền thông. Thế là ngưng, giáo viên và học sinh phải dạy và học trong điều kiện thiếu thốn”. Bên cạnh đó, việc bậc THPT nhận trực tiếp ngân sách từ thành phố còn rất nhiều những bất cập. Đơn cử như Trường THPT Lương Thế Vinh (đây là trường THPT do UBND quận 1 quản lý), hai năm vẫn chưa nhận đủ tiền ngân sách phân bổ? Cũng tương tự, năm 2007, UBND huyện Cần Giờ phải lấy quỹ dự phòng của phòng chống thiên tai để trả lương cho giáo viên. Dù thành phố là địa phương đóng góp nhiều nhất vào nguồn thu của cả nước, nhưng ngân sách lại chịu sự phân bổ của trung ương. Cho nên, dù chính quyền đã dành cho ngành GD-ĐT tỷ lệ ngân sách cao nhất so với các ngành còn lại nhưng ngân sách chủ yếu vẫn dành cho việc chi trả lương. Chính vì thế, giáo dục cần có thêm nguồn hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp, cá nhân và đặc biệt là phụ huynh.
Thanh Quang

Bình luận (0)