Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngân sách nhà nước năm 2009 gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Ông Trịnh Huy Quách – Ảnh: C.Tùng

“Những khó khăn về kinh tế cả trong và ngoài nước đã và đang đặt ra nhiều khó khăn đối với việc cân đối thu  chi ngân sách nhà nước năm 2009” – ông Trịnh Huy Quách, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với

Tuổi Trẻ

chiều 18-12.

Ông Trịnh Huy Quách nói:

– Mặc dù còn gần nửa tháng nữa mới bước sang năm 2009, tuy nhiên những khó khăn trong việc thực hiện ngân sách của năm tới theo như quyết định của Quốc hội đã xuất hiện khá rõ ràng. Khó khăn lần này khá toàn diện.

Thứ nhất, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm khoảng 20% ngân sách thì hiện nay cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đều lâm vào suy thoái, như vậy xuất khẩu của chúng ta sang các thị trường này sẽ khó khăn. Đơn cử là kim ngạch xuất khẩu từ 6,5 tỉ USD trong tháng 7-2008 đến tháng 11 đã giảm xuống 4,8 tỉ USD do giảm cả về lượng và về giá xuất khẩu.

Thứ hai, nguồn thu từ dầu thô chiếm khoảng 20% ngân sách. Khi xây dựng dự toán ngân sách năm 2009 chúng ta lấy mức giá dự tính là 70 USD/thùng, nhưng hiện nay giá dầu đang dao động ở mức 40 USD, nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới thu ngân sách.

Thứ ba, hết sức quan trọng, là nguồn thu nội địa, nhưng với các dấu hiệu suy giảm kinh tế hiện nay thì nguồn thu này khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, ví dụ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong tháng 11-2008 đã giảm 2% về số lượng và 25% về vốn…

Đó là chưa kể Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong đó có những giải pháp sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu như việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý 4-2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm như vậy thì nhu cầu chi lại tăng lên.

* Năm 2009, một loạt luật thuế vừa được sửa đổi có hiệu lực như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách như thế nào?

– Khi Quốc hội thảo luận, thông qua các luật thuế này thì đã có đánh giá tác động đối với ngân sách. Nói chung khi các đạo luật đó có hiệu lực thì mức huy động vào ngân sách trước mắt giảm không đáng kể, nhưng về lâu dài sẽ tăng. Điều quan trọng là tổ chức đưa các luật đó đi vào cuộc sống sao cho tạo thuận lợi hơn đối với người dân và doanh nghiệp.

* Việc thực hiện năm nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ cũng sẽ có tác động tới thu chi ngân sách, ông nghĩ sao về các giải pháp đó?

– Tôi nhất trí về cơ bản với các mục tiêu cần đạt được khi Chính phủ đề ra năm nhóm giải pháp này, nhưng vấn đề cơ bản ở đây là liều lượng của từng giải pháp cần phải như thế nào cho hợp lý, tránh sa vào một trong hai quan điểm cực đoan là chống suy giảm kinh tế bằng mọi giá hoặc chống lạm phát bằng mọi giá, đồng thời phải đảm bảo được tính khả thi của từng nhóm giải pháp trong khi tiến hành đồng thời cả năm nhóm giải pháp này.

Trong năm nhóm giải pháp, Chính phủ đề ra việc thực hiện các biện pháp kích cầu. Vấn đề cần lưu ý ở đây là nếu không khéo tăng tiền vào lưu thông nhiều quá lại sinh ra vòng lạm phát mới, trong khi đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu theo nghị quyết của Quốc hội vẫn là cần phải tiếp tục kiềm chế lạm phát. Như vậy Chính phủ đang đứng trước bài toán làm sao vừa có thể ngăn chặn suy giảm kinh tế, vừa phải tiếp tục kiềm chế lạm phát.

Các chính sách giảm, hoãn thuế mà Chính phủ đã đưa ra là quan trọng, nhưng không phải là biện pháp duy nhất. Với doanh nghiệp, có sản xuất được, có bán được hàng, có tiền nộp thuế lúc đó mới được hưởng lợi từ việc giảm thuế. Còn những doanh nghiệp không sản xuất được, không có tiền nộp thuế thì chính sách giảm thuế là không có ý nghĩa với họ.

Vì vậy doanh nghiệp còn cần được hỗ trợ thêm nữa về thông tin, dự báo và định hướng cho việc sản xuất, xuất khẩu của năm tới, về điều chỉnh thị trường ra sao và những chính sách khai thông thị trường… 

Hiện rất nhiều doanh nghiệp chưa xác định được hướng làm ăn của năm tới. Cũng giống như việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay, lãi suất thấp nhưng dòng tín dụng vẫn chưa trôi chảy, doanh nghiệp không vay vốn vì chưa tìm được hướng cho sản xuất, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm nên chưa vay tiền ngân hàng. Tôi đánh giá cao chính sách giãn thời gian nộp thuế, bởi nếu chỉ giảm thuế sẽ lại tăng thêm gánh nặng cho ngân sách vốn đang rất eo hẹp…

* Đứng trước nguy cơ thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm mạnh, theo ông, cần làm gì?

– Trong nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua cũng đã tiên liệu và nêu khá đầy đủ các giải pháp để bảo đảm thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn khó khăn này, cần nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, khơi thông thị trường mới, tạo cơ chế thông thoáng, môi trường kinh doanh bình đẳng… Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính như nghị quyết của Quốc hội đã nêu để tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng ổn định nguồn thu.

 

Xuất khẩu dầu thô có thể giảm tới 6 tỉ USD

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Đinh La Thăng – chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí VN – cho biết năm 2009 khó khăn lớn nhất đối với Tập đoàn dầu khí là giá dầu diễn biến không thể lường trước được, hiện nay trên dưới 40 USD/thùng, trong khi giá dầu trình Quốc hội quyết là 70 USD/thùng, tập đoàn này đã xây dựng phương án theo mức giá đó, hiện nay đang xây dựng tiếp phương án 50 USD/thùng… Nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng thì dự kiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô năm 2009 chỉ đạt khoảng 4,4 tỉ USD, giảm tới 6 tỉ USD so với năm 2008.

Khuyến cáo của IMF: VN cần tính toán kích cầu kỹ lưỡng

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gói kích cầu lên gần 6 tỉ USD mà Chính phủ VN mới công bố cần được tính toán kỹ và đưa ra những ưu tiên để bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương. IMF lo ngại gói kích cầu này sẽ đem lại tác động ngoài mong muốn là làm suy giảm vị thế đối ngoại của VN khi VN không có thêm nguồn tài trợ từ bên ngoài. Lời tư vấn này được đưa ra sau khi một phái đoàn của IMF do ông Shogo Ishii, trợ lý vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình dương, dẫn đầu làm việc tại Hà Nội từ ngày 3 đến 18-12 để tiến hành các cuộc thảo luận tư vấn.

IMF tính toán GDP của VN năm tới sẽ chỉ tăng trưởng 5%, lạm phát dự báo giảm xuống mức một con số vào cuối năm 2009 và thâm hụt cán cân vãng lai đối ngoại dự kiến giảm do nhập khẩu giảm nhiều hơn so với giảm xuất khẩu và kiều hối, nhưng vẫn ở mức cao là 9% GDP trong năm tới.

Điều quan trọng mà thông báo của IMF đưa ra là VN phải giữ được đà cải cách qua giai  đoạn khó khăn này để củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Báo cáo của phái đoàn sẽ được trình lên ban giám đốc IMF vào đầu tháng 3-2009 và phái đoàn sẽ thảo luận với phía VN để có thể công bố báo cáo này.

Hương Giang

VÕ VĂN THÀNH (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)