Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngang nhiên đổ chất thải xuống Vịnh Hạ Long

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thời gian gần đây, môi trường của kỳ quan thiên nhiên có vẻ đẹp và những giá trị ngoại hạng Vịnh Hạ Long đang bị một số tổ chức, cá nhân hủy hoại bằng cách đem chất thải đổ xuống một cách ngang nhiên.

Đây rõ ràng là những hành động xem thường pháp luật và thách thức công luận.

Rác và nước thải từ chợ Hạ Long I xả thẳng xuống biển (vùng đệm của VHL)

 

Nhiều doanh nghiệp tham gia “đầu độc” môi trường Vịnh Hạ Long

Tháng 11-2007, cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã bắt quả tang một lúc 5 tàu của Công ty TNHH Yên Hải ở huyện Yên Hưng, Quảng Ninh và Công ty TNHH Đức Khánh ở Hải Phòng có hành vi chở bùn thải từ khu vực Cảng Cái Lân đổ trái phép xuống Vịnh Hạ Long (VHL). Hai đơn vị này đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ninh ra quyết định xử phạt 13 triệu đồng/công ty.

Trong năm 2008, cũng đã có không ít doanh nghiệp bị “điểm mặt chỉ tên” và bị xử phạt do hành vi đổ thải không đúng quy định trên VHL (thậm chí có đơn vị bị xử phạt đến lần thứ hai).

Có thể kể ra đây một số doanh nghiệp vi phạm như Công ty 899 có trụ sở ở Hải Phòng. Hai chiếc tàu mang biển kiểm soát HP-1242 và HP-1253 của doanh nghiệp này đã ngang nhiên đem bùn thải đổ xuống khu vực Ghềnh Cam thuộc vùng bảo vệ tuyệt đối của VHL vào ngày 8-4, trong khi quy định phải đổ thải ở khu vực Vũng Đục, TX Cẩm Phả.

Tiếp đó, ngày 20-5, Thanh tra Sở TN&MT đã lập quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Hạ Long vì lý do trong khi thực hiện dự án nạo vét luồng lạch, phao tiêu, biển báo khu cảng đã không thực hiện đúng các cam kết như không đăng ký phương tiện vận chuyển, các phương tiện không có thùng chứa rác thải và vận chuyển bùn không đi đúng hướng… Đáng chú ý, đây là lần thứ hai Công ty Đóng tàu Hạ Long bị xử phạt về hành vi này.

Gần đây nhất là vụ Công ty TNHH Thương mại Luôn Thành Đạt ở TX Cẩm Phả sau khi mua lại gần 10 chiếc phà máy của Cty Quản lý cầu phà Quảng Ninh đã tiến hành tháo dỡ ngay tại bến phà Bãi Cháy khiến dầu máy chảy xuống gây ô nhiễm Vịnh.

Đặc biệt, ngày 3-9, Thanh tra Sở TN&MT Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt với mức phạt 13 triệu đồng đối với Tổng Công ty xây dựng đường thủy (có trụ sở ở Cảng Cái Lân, TP Hạ Long và trực thuộc Ban quản lý dự án Hàng hải 2) do ông Bùi Nguyên Khôi làm giám đốc.

Trong khi thực hiện nạo vét luồng ngoài cảng Cái Lân, đơn vị này đã đổ thải không đúng nơi quy định, không khai báo phương tiện nạo vét với cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Công ty này cũng bị buộc phải giải phóng lượng đất đá thải đổ thải không đúng quy định và khôi phục nguyên trạng ban đầu.

Thay vì đổ thải đúng chỗ thì công ty này lại đổ luôn bùn đất nạo vét vào ngay hành lang luồng khiến cho đất đá tạo thành một con đê dài gần 500m trên biển từ phao số 8 đến phao số 10, quan sát bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhìn thấy. Điều đáng nói ở đây là con đê này lại nằm ngay trong vùng bảo vệ tuyệt đối của VHL.

Hệ thống đường ống xả chất thải nạo vét luồng sai quy định bị cơ quan chức năng phát hiện

Vì đâu nên nỗi?

Được biết, nhiệm vụ bảo vệ môi trường VHL được tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban quản lý Vịnh Hạ Long và nhiều cơ quan, ban ngành phối hợp như UBND TP Hạ Long, Sở TN&MT, Sở Thủy sản, Sở Văn hóa-TT và DL, Cảng vụ Quảng Ninh, Cảnh sát Môi trường…

Ông Hoàng Văn Bốn – Chánh thanh tra Sở TN&MT Quảng Ninh cho biết: “Vấn đề bảo vệ môi trường ở VHL có nhiều bức xúc và được UBND tỉnh cùng các ban ngành thường xuyên theo dõi, quan tâm. Chế tài xử phạt hành vi đổ thải trên VHL hiện nay là chưa phù hợp, còn quá nhẹ”.

Theo ông Bốn thì có ba yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường VHL. Đó là từ các hoạt động khai thác than; Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh bờ Vịnh; một số dự án nạo vét luồng lạch trên Vịnh. Những dự án trên đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT hoặc UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên khi thực hiện thì hầu hết các đơn vị thi công đều thực hiện chưa nghiêm túc một số nội dung. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong các dự án nạo vét luồng thì UBND tỉnh quy định phải đổ vật liệu nạo vét ở nơi quy định nhưng có những dự án do từ nơi nạo vét đến nơi đổ vật liệu rất xa, công tác tuần tra kiểm soát trên biển có nhiều khó khăn cùng với một nguyên nhân khác là giá dầu cao nên mới xảy ra việc đổ thải bừa bãi, không đúng nơi quy định.

Khi chúng tôi hỏi về sự phối hợp giữa Sở TN&MT và Ban quản lý VHL trong việc bảo vệ môi trường Vịnh, ông Bốn nói: “Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý VHL với các cơ quan chức năng là rất rõ ràng. Về phía Sở TN&MT thì chúng tôi đã làm đúng. Cứ để cho các cơ quan chức năng xuống kiểm tra các hồ sơ của Sở TN&MT xem thiếu trách nhiệm chỗ nào, bỏ lọt vi phạm gì…”.

Để tìm hiểu kỹ thêm về việc bảo vệ môi trường Vịnh từ phía Ban quản lý VHL, chúng tôi đến đây trình bày rõ mục đích nhưng cả hai lần đều được trả lời là lãnh đạo Ban quản lý bận họp hoặc đi công tác.

Theo NGUYỄN MINH (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)