Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngành cá tra: nơi an ủi, nơi ngậm ngùi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành cá tra đang ở giai đoạn kinh doanh đầy khó khăn và chưa năm nào doanh nghiệp phải lo cái tết cho công nhân khó khăn như năm nay. Doanh nghiệp lãi ít hay nhiều, hoà vốn hay thua lỗ đều phải cố gắng lo thưởng tết dù chỉ là một phần quà nho nhỏ, bởi nếu để mất công nhân còn tệ hơn…

Hơn một tuần nay, không khí làm việc tại ba nhà máy chế biến cá tra của công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (Agifish) sôi động hẳn lên khi ban giám đốc công bố mức thưởng tết năm nay bằng một tháng lương sản xuất. Nhiều công nhân cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cá tra mà mức thưởng vẫn bằng năm ngoái là điều hết sức đáng mừng.

Công nhân Docifish (Đồng Tháp) đang lo lắng “tám” về tương lai, khi mà 2/3 số công nhân trong doanh nghiệp đã mất việc. Ảnh: Ngọc Tùng

Doanh nghiệp gồng mình

Để lo được khoản thưởng tết trên, ông Nguyễn Văn Ký, giám đốc Agifish nói rằng, năm 2012 doanh số tuy tăng nhưng lợi nhuận lại tăng không tương xứng nên công ty xác định phải cắt giảm hết tiệc tùng, đình đám, tổng kết cuối năm để dồn tiền lo tết cho công nhân. “Thưởng bằng tháng lương sản xuất sẽ kích thích năng lực làm việc của công nhân. Dựa trên mức thu nhập khoán sản phẩm trung bình năm, ai làm nhiều thì được tiền thưởng nhiều”, ông Ký giải thích.

Toàn ngành cá tra còn tồn tại dưới danh nghĩa hơn 70 nhà máy, nhưng chỉ có khoảng 20% hoạt động đều đặn, số đông đã ngưng sản xuất, số ít hoạt động cầm chừng. Tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra trong tháng cuối năm này còn khó khăn hơn, rất nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ tết sớm. Tuy nhiên, theo ông Dương Ngọc Minh, chế biến cá tra là ngành đặc thù, sử dụng đội ngũ lao động tay nghề cao nên dù khó khăn cỡ nào thì doanh nghiệp cũng phải trích một phần vốn lo thưởng tết để giữ lao động.

Hiện có khoảng 20.000 lao động làm việc trong các nhà máy cá tra, họ có tay nghề cao nên theo ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Cần Thơ (Cafatex), đây là nguồn lực mà doanh nghiệp không thể để mất. “Chúng tôi xác định từ đầu rồi, thua lỗ gì cũng phải dành riêng khoản vốn lo quà, tiền thưởng. Chưa có năm nào hàng ngàn công nhân Cafatex mất thưởng”, ông Kịch khẳng định.

Ông Lưu Bách Thảo, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Việt An cũng cho hay, để lo được khoản thưởng tết cho gần 3.000 công nhân, ban lãnh đạo công ty phải xoay trở đủ đường… Ông Phạm Văn Bên, giám đốc DNTN Cỏ May (Đồng Tháp) chuyên sản xuất, kinh doanh thức ăn nuôi cá tra, cũng nói: “Cũng như mọi năm, tết năm nay công ty cố gắng giữ tinh thần lao động cho công nhân bằng việc lo thưởng tết cho họ”. Theo ông Bên, dù còn phải đối mặt với những khó khăn nhất định, nhưng 300 công nhân trong công ty này vẫn được nhận thưởng ba tháng lương mỗi năm. Quỹ thưởng này chia làm ba đợt theo những ngày lễ, tết trong năm, riêng tết Nguyên đán mỗi công nhân được thưởng một tháng lương với mức trung bình khoảng 4,1 triệu đồng.

Công nhân: hy vọng vào giờ chót…

Dù vậy đã tới rằm tháng chạp rồi mà còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa thông báo kế hoạch thưởng tết cho lực lượng lao động đơn vị mình.

Với quy mô hợp tác xã nuôi cá tra nguyên liệu, mỗi khu vực nuôi chỉ sử dụng khoảng mười lao động trong năm, ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã thuỷ sản Thới An (Cần Thơ), cho rằng: “Phần thưởng tết dù nhỏ về giá trị cũng có tác dụng lớn, nhất là giá trị của tình thân”. Theo ông Hải, phần thưởng tết cho lao động cũng chính là một hình thức quảng cáo có tác động rất lớn cho doanh nghiệp. Phần khác, nếu lao động nản lòng với cách ứng xử của đơn vị thì khó lường được chuyện gì xảy ra: lao động thiếu trách nhiệm, toan tính vụ lợi… Do vậy, với suy nghĩ riêng của mình, dù lực lượng lao động trực tiếp chỉ khoảng mười người, nghề nuôi cá tra cũng đang trong cảnh khó, nhưng “bết nhứt cuối năm cũng ráng tặng mỗi người một phần quà tết trị giá khoảng 1 triệu đồng để góp tết với từng gia đình”, ông Hải nói về cách ứng xử của cá nhân mình dịp cuối năm. Nhưng theo ông, thực tế về dự kiến này sẽ đến với từng người bằng sự bất ngờ vào giờ chót.

Trong lúc đó, nữ công nhân Danh Thị Hoàng ở công ty thuỷ sản Phương Nam (Sóc Trăng) trong tâm trạng phập phồng về chuyện thưởng tết của đơn vị này. Chị nói: “Tui nghỉ hộ sản từ hơn tháng nay, nên không biết có được công ty thưởng tết hay không”. Dù còn chút hy vọng nhưng chị Hoàng vẫn lo năm nay mình không có tết. Theo chị Hoàng, cả năm nay, công ty làm ăn có phần sa sút, lương công nhân giảm thấp nên tết này ít hy vọng có thưởng. Nhưng với chị Hoàng vậy là còn may mắn hơn đội ngũ khoảng 300 công nhân ở công ty CP thuỷ sản Docifish (Đồng Tháp). Tới thời điểm này Docifish vẫn chưa có kế hoạch thưởng tết dù số lượng công nhân ở đơn vị này đã giảm 2/3 từ hồi năm ngoái. Thông tin chưa được công bố còn khiến số lao động hiện còn không thể ăn tết vui vì đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Theo tin từ bộ phận kế hoạch – kinh doanh của đơn vị này, hiện Docifish còn tồn khoảng 3.000 tấn sản phẩm cá tra philê chưa có đầu ra, và nếu trong vòng ba tháng nữa không bán được khối lượng sản phẩm này công ty sẽ tuyên bố phá sản.

Hoàng Bảy – Ngọc Tùng

Theo SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)