Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ngành càng mới, cơ hội việc làm càng nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Đi din mt trưng ĐH gii đáp thc mc ca hc sinh v ngành ngh đào to, điu kin xét tuyn…

Giải đáp băn khoăn của học sinh về ngành logistics trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) vừa qua, PGS.TS Lê Văn Bách (Trưởng khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết đây là một ngành hoàn toàn mới, chỉ mới được nhà trường đưa vào tuyển sinh trong năm nay. Một sản phẩm muốn tiêu thụ thì phải trải qua nhiều giai đoạn như nhập nguyên liệu, sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Trong mỗi giai đoạn đó chính là khâu logistics, đưa ra những chính sách để làm sao sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thành thấp nhất. “Cử nhân ngành logistics sẽ đưa ra những giải pháp để cùng một sản phẩm, cùng một chất lượng nhưng lại có sự cạnh tranh cao nhất về giá thành. Qua khảo sát nhu cầu thực tế, ngành này hiện nay có nhu cầu rất cao. Ngành càng mới, nhu cầu việc làm sẽ càng nhiều”, TS. Bách thông tin.

Tương tự, thương mại điện tử cũng là một trong những ngành tương đối mới. Theo TS. Trần Thanh Thưởng (đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), ngành này là tổng hợp những kiến thức về tài chính, marketing, kỹ năng về CNTT. Khi học ngành này, các em có thể mở app (phần mềm) cho riêng mình để khởi nghiệp. “Cái gì mới lâu dần sẽ có nguy cơ đào thải nhưng nếu biết nắm bắt kịp thời thì sẽ có những cơ hội việc làm cực kỳ cao”, TS. Thưởng cho biết. Trong khi đó, ông Tăng Tông Nhân (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đưa ra lời khuyên trong việc chọn ngành, chọn trường của học sinh. Cụ thể, theo ông Nhân, học sinh nên chọn ngành học trước rồi mới đến chọn trường (có thế mạnh về ngành đó). Đối với những ngành nào yêu cầu tính thực hành cao (như dược, CNTT, kỹ thuật ô tô…), học sinh nên tìm hiểu về điều kiện thực hành của ngành học đó tại trường như thế nào, về mức độ liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo và thực hành đến đâu. Đặc biệt là tìm hiểu về đời sống sinh viên tại trường từ học tập, sinh hoạt ngoại khóa, đến các câu lạc bộ để khi vào trường có thể trở nên năng động hơn.

Trao đổi với học sinh về hình thức tuyển sinh của Trường ĐH Việt Đức năm 2018, TS. Vũ Quốc Huy (đại diện nhà trường) thông tin: Năm nay trường sẽ tuyển sinh theo 2 hình thức: tổ chức kỳ thi riêng (vào tháng 5) và xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia. Theo đó, hình thức tuyển sinh bằng kỳ thi riêng sẽ áp dụng cho các khối ngành về công nghệ (cơ khí, điện, điện tử và CNTT), kinh tế và quản trị kinh doanh. Chỉ những thí sinh có điểm trung bình học bạ 5 học kỳ liên tiếp (học kỳ 1 và 2 năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) trên 7 mới đủ điều kiện tham gia kỳ thi riêng.

Theo TS. Huy, thí sinh tham gia kỳ thi riêng trải qua 4 phần thi nhỏ, gồm: năng lực, kiến thức chuyên ngành, tiếng Anh và bài thi TestAs (đây là bài kiểm tra đánh giá khả năng học ĐH của sinh viên nước ngoài tại Đức). “Sẽ không phải là bài kiểm tra các kiến thức thông thường mà tập trung vào đánh giá khả năng tư duy, logic khi giải quyết vấn đề của thí sinh. Em nào có điểm IELTS 5.0 hoặc TOEFL 440 sẽ được miễn phần thi tiếng Anh”, TS. Huy cho hay.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)