Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngành chăn nuôi 6 tháng cuối năm: Tìm lối ra trong khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo nhận định của các chuyên gia, 2011 lại là một năm đầy khó khăn với ngành chăn nuôi khi mà dịch bệnh xảy ra liên miên và giá cả chi phí đầu vào ngày một leo thang. Do đó, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành đề ra từ nay cho đến hết năm không phải là điều dễ dàng.
Ảnh: minh họa – Internet
Nhiều thách thức
Trong 6 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít thiên tai và dịch bệnh. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vào thời điểm cận Tết đã làm chết gần 100.000 con trâu, bò và gia súc ăn cỏ. Cùng với đó, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi làm suy giảm số lượng đầu con gia súc, gia cầm và việc đầu tư, tái đàn gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 50.300 con gia cầm bị nhiễm bệnh cúm gia cầm, 140.000 con gia súc mắc bệnh lở mồm long móng và 14.700 con lợn mắc bệnh tai xanh, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Theo nhận định, mặc dù hiện nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Không những thế, các chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi cũng ngày càng tăng giá. Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá ngô đã tăng 24%, bột cá tăng 9%, sắn lát tăng 19,2%, thức ăn hỗn hợp cho gà tăng 8,7%, thức ăn hỗn hợp cho lợn tăng 9,6%… Và cũng chỉ trong vòng 6 tháng, giá TĂCN đã tăng tới 7 lần. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam nhận định: "Nếu chúng ta không có kế hoạch cụ thể về sản xuất TĂCN thì mức nhập khẩu nguyên liệu TĂCN không chỉ dừng lại ở trên 60% như hiện nay mà còn cao hơn nữa".
Một thách thức nữa đối với ngành chăn nuôi là hàng rào kiểm soát chất lượng, dịch bệnh trong xuất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta vẫn còn hạn chế. Nhất là từ ngày 1/7, khi Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực, yêu cầu về chất lượng nông sản thực phẩm, trong đó có sản phẩm thịt ngày càng cao, trong khi ngành chăn nuôi của chúng ta chủ yếu là quy mô nhỏ, phòng dịch kém. Bên cạnh đó, các vấn đề lạm phát, sự gia tăng tỷ giá… cũng tác động nhiều đến ngành chăn nuôi nước ta, vốn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới do phải nhập khẩu phần lớn TĂCN, thuốc thú y…
Tận dụng tốt lợi thế
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), từ nay đến năm 2020, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu thịt tăng bình quân 1,7%/năm, cao gấp 3 lần so với các nước phát triển. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng thịt lợn tươi sống, không qua ướp lạnh. Điều này tạo ra sự bảo hộ tự nhiên đối với thịt lợn sản xuất trong nước trước thịt lợn nhập khẩu. Đây là những lợi thế giúp cho ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển.
Cùng với đó, các dự án hỗ trợ của quốc tế như Lifsap (Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) của Ngân hàng thế giới, dự án xây dựng hầm biogas của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… là những đòn bẩy quan trọng đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Hơn nữa, Nghị quyết 11 của Chính phủ về tiết kiệm và kiềm chế lạm phát đang phát huy hiệu quả.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi lưu ý, các địa phương cần tận dụng tốt những lợi thế thuận lợi này, đồng thời đảm bảo con giống, nguồn thức ăn và các điều kiện cần thiết để khôi phục và phát triển nhanh đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, tập trung chuẩn bị các điều kiện đáp ứng việc sản xuất chăn nuôi trong mùa mưa bão, phòng chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ Hè Thu 2011 và phòng chống đói, rét trong vụ Đông Xuân 2011 – 2012. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường…
Mục tiêu của ngành chăn nuôi từ nay đến hết năm 2011, phấn đấu giá trị sản xuất tăng từ 7,5 – 8% so với năm 2010. Trong đó, sản xuất đạt 4,28 triệu tấn thịt hơi; 6,53 tỷ quả trứng, 12 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Giá trị ngành chăn nuôi chiếm 28 – 30% trong tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp.
Theo Thắng Văn
Kinh tế & Đô thị

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)