Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Ngành công nghệ đang dịch chuyển với tốc độ chóng mặt

Tạp Chí Giáo Dục

Phần lớn những sáng tạo mới và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực điện toán cá nhân đang xuất phát từ Châu Á, theo nhận định của Microsoft với Dân trí.

Hàng loạt dòng máy tính mới được ra mắt tại CES 2011. (Ảnh: Tuấn Anh)

Một loạt lãnh đạo của Microsoft đã chia sẻ với Dân trí bên lề Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2011 vừa qua ở Las Vegas, Mỹ, về những xu hướng đáng chú ý nhất của ngành công nghệ từ vài năm qua cũng như trong những năm tới.

Châu Á là tâm điểm 

Ông Nick Parker, Phó Chủ tịch Phụ trách Marketing thuộc bộ phận sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Microsoft, nói: "Chúng tôi không coi Châu Á là một thị trường cục bộ, mà là trung tâm sáng tạo của ngành máy tính cá nhân (PC) toàn cầu". 

Theo ông Parker, quan điểm trên không phải của riêng Microsoft, mà của cả những nhà sản xuất OEM lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới. Mới đây, Microsoft đã đầu tư vào một loạt trung tâm phát triển và tích hợp các dịch vụ phần mềm ở Đài Loan, nhằm phối hợp chặt chẽ với các đối tác ở đây trong việc phát triển các sản phẩm mới và hỗ trợ họ trực tiếp về phần cứng và phần mềm. 

Một ví dụ điển hình là MSI, vốn khởi đầu bằng những hoạt động đóng khung trong thị trường Đài Loan, nhưng với sự đầu tư và hỗ trợ của Microsoft đã vươn ra phạm vi toàn cầu. Theo ông Parker, sức sáng tạo mạnh mẽ được thể hiện ở tất cả các mắt xích của chuỗi cung ứng PC ở Châu Á. Ngược lại, có rất ít nhà sản xuất ở Châu Âu có thể so sánh được với các công ty Châu Á về mặt này. 

Một ví dụ khác của sự dịch chuyển sức mạnh trong ngành PC từ thế giới Âu – Mỹ sang Châu Á là Lenovo, với việc mua lại bộ phận PC của IBM đã vươn ra thành một thương hiệu toàn cầu. "Cách chúng tôi tư duy về thiết kế PC và trải nghiệm điện toán liên tục thay đổi", ông Kyler Tan, Tổng Giám đốc Lenovo Việt Nam chia sẻ sau khi Lenovo ra mắt một loạt dòng PC mới tại CES 2011. Theo đó, để cung cấp cho người dùng công nghệ PC thực sự mang tính cá nhân, đồng thời mạnh mẽ và quyến rũ, Lenovo phải luôn tục đưa ra những tính năng độc đáo, ví dụ như khả năng khởi động máy trong chưa đầy 10 giây ở những dòng máy mới. 

Ông John MacLellan, Tổng Giám đốc OEM của Microsoft Châu Á Thái Bình Dương bổ sung rằng mặt bằng công nghệ cũng như mức độ phổ dụng của công nghệ ở Châu Á rất cao, thậm chí vượt xa vài thế hệ (công nghệ) so với Mỹ và Châu Âu. Ông này nhận định rằng, hiện mới chỉ có 3 công ty trên thế giới là LG, Samsung và Sony, thực hiện một cách "tuyệt vời" chiến lược "ba màn hình" (phát triển toàn diện và tích hợp các công nghệ cho màn hình TV, màn hình PC và màn hình điện thoại). 

Ông MacLellan cho rằng Đài Loan có thể được coi là "Thung lũng Silicon" của Châu Á từ 10 năm qua. Hàn Quốc, từ 5 năm trở lại đây, cũng đã chuyển mình thành một trung tâm sáng tạo công nghệ của thế giới. "Phần mềm Mỹ sẽ không còn vị trí quan trọng nữa, mà thay vào đó là phần mềm sản xuất ở Ấn Độ, Trung Quốc", ông nói. 

Người dùng cá nhân đóng vai trò quyết định 

Một sự chuyển đổi thú vị nữa, theo các lãnh đạo Microsoft, là sự dịch chuyển về vai trò tiên phong từ các khách hàng doanh nghiệp sang người tiêu dùng cá nhân. Nếu như trước đây các công ty công nghệ chủ yếu tập trung phát triển các sản phẩm cho doanh nghiệp và sau đó "áp" xu hướng sang người dùng cá nhân, thì hiện nay người dùng cá nhân đã chuyển sang chiếm vai trò định hình cho ngành công nghệ, và nhu cầu của họ phải được đáp ứng đầu tiên. 

Ông Darren Huston, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề về người tiêu dùng và trực tuyến của Microsoft, tiết lộ một thống kê thú vị: "Số màn hình trung bình mà mỗi gia đình ở Mỹ hiện nay sở hữu là 30 chiếc, bao gồm vài chiếc TV, máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại, màn hình điều khiển trong xe hơi…". Vì vậy, theo ông Huston, công nghệ điện toán đám mây sẽ trở nên ngày càng quan trọng, vì nó không chỉ đơn thuần là Internet, mà nó là cái khung kết cấu giúp kết nối mọi loại thiết bị vào với nhau, tạo nên khả năng sử dụng đồng nhất và thuận tiện. 

"Các công ty lớn như Microsoft, Google và Apple đang đầu tư rất mạnh vào công nghệ phục vụ người dùng cá nhân, bởi đối tượng này đang có những nhu cầu mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và hệ quả là trong 5-10 năm tới sự phát triển trong lĩnh vực này sẽ "thổi bay" những gì mà chúng ta đã đạt được trong 5-10 năm qua với một sức mạnh khó tưởng tượng," ông Huston nói. 

Cụ thể hơn, ông Steve Clayton, một chuyên gia phát triển các công nghệ tương lai của Microsoft, chia sẻ một ví dụ: "Hiện chúng ta đã bước vào giai đoạn đầu của thời đại sử dụng giao diện người dùng tự nhiên (natural user interface – NUI) thông qua những màn hình cảm ứng chạm, các hệ thống điện toán điều khiển bằng cử chỉ và giọng nói. Trong tương lai, xu hướng này sẽ phát triển rất mạnh và dần xóa nhòa khoảng cách giữa người dùng với công nghệ, khiến công nghệ trở nên "vô hình" và được vận hành một cách hết sức tự nhiên, dễ dàng". 

Tuấn Anh (Theo Dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)