Công nghệ sinh học là một ngành khá mới với cơ hội việc làm hấp dẫn và không quá khó để trúng tuyển.
Điểm chuẩn vừa phải
Ngành Công nghệ sinh học còn nhiều tiềm năng trong tương lai – Ảnh: Đ.N.T
|
Lướt qua một lượt điểm trúng tuyển của ngành Công nghệ sinh học tại các trường năm 2009, có thể thấy điểm trúng tuyển không quá cao. Rất nhiều trường điểm chuẩn trúng tuyển NV1 ngành này năm 2009 chỉ bằng hoặc cao hơn mức điểm sàn, như: trường ĐH Mở TP.HCM (A và B: 15 điểm); trường ĐH Quốc tế TP.HCM (A: 14,5 điểm; B và D1: 15 điểm); trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ TP.HCM (A: 13 điểm; B: 14 điểm); trường ĐH Lạc Hồng (B: 14 điểm)… Đó là chưa kể, nhiều trường công bố mức điểm chuẩn NV1 và điểm xét tuyển NV2 năm 2009 đều ở mức điểm sàn như trường ĐH Văn Lang (A: 13 điểm; B: 14 điểm); trường ĐH Bình Dương (A: 13 điểm; B: 14 điểm)…
Theo thạc sĩ Lâm Thành Hiển – Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), hầu hết sinh viên ngành này của trường đều có việc làm ngay khi ra trường, thậm chí các nhà tuyển dụng “đặt hàng” với sinh viên khi còn học năm cuối. Sinh viên học ngành Công nghệ sinh học có được kỹ năng triển khai nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm, môi trường và tài nguyên. (Đăng Trình)
|
Tuy nhiên một số trường như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM… có mức điểm trúng tuyển khá cao, dao động từ 17 đến 21 điểm. Trong đó, qua nhiều năm, ngành này ở trường ĐH Nông Lâm luôn có lượng thí sinh thi vào rất đông, dù với mức điểm chuẩn khá cao, cụ thể: năm 2007 (A: 18 điểm; B: 23 điểm), năm 2008 (A: 16 điểm; B: 20,5 điểm), năm 2009 (A: 16 điểm; B: 20 điểm).
Ngoài ra, hiện có rất nhiều trường CĐ đang đào tạo ngành này như CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Kinh tế – Công nghệ TP.HCM, CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, CĐ Lương thực thực phẩm Đà Nẵng… Với các trường này, thí sinh có thêm cơ hội ở đợt thi thứ 3 hoặc đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu với mức điểm vừa phải.
Khu vực phía Bắc cũng có rất nhiều trường đào tạo ngành này như ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Lâm nghiệp, ĐH dân lập Phương Đông…
Cơ hội có việc làm cao
Công nghệ sinh học là bộ môn tổng hợp của các ngành khoa học và công nghệ như sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học… nhằm tạo ra các quy trình công nghệ khai thác ở quy mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động – thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Các sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trên rất nhiều lĩnh vực, ở nhiều phạm vi khác nhau: y tế, dược phẩm, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, môi trường. Hoặc có thể làm giảng viên, nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu, các bệnh viện, các công ty sản xuất dược, giống cây trồng vật nuôi, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu…
Phó giáo sư – tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết: Theo khảo sát của trường, sinh viên ngành Công nghệ sinh học sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn đạt tỷ lệ 89 – 90% ngay trong năm đầu tiên. Với các sinh viên khá giỏi, các doanh nghiệp đều đến đặt hàng ngay ở những năm cuối. Tiến sĩ Hùng cũng cho biết thêm, đặc thù của ngành này là làm việc trên các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền chỉ có ở các cơ sở nghiên cứu, hoặc các công ty lớn tập trung tại các thành phố lớn. Do đó, phần đông sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp đều có cơ hội tìm việc tại các thành phố lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng cho biết: “Đây là một ngành mới có sự tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội hiện đại. Vì vậy, người lao động làm việc trên lĩnh vực này chính là nguồn nhân lực trình độ cao, với mức thu nhập khá hấp dẫn. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc hiện đại, đòi hỏi người lao động không chỉ có chuyên môn cao, mà còn phải có sự đam mê nghiên cứu và tinh thần học hỏi thực sự. Đây là một ngành mà thị trường lao động chưa đáp ứng được hết nhu cầu, còn rất nhiều tiềm năng trong tương lai”.
Hà Ánh / Thanh Niên
Bình luận (0)