Ngành CNTT không còn hút thí sinh như trước… |
Đi qua thời “vàng son”, những năm gần đây, các trường có đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT) không khỏi chua xót khi chứng kiến sự tụt giảm liên tục của điểm chuẩn, số lượng thí sinh đăng ký dự thi! Thậm chí có trường CNTT xin đổi tên cho dễ tuyển sinh, đào tạo.
Tụt hạng!
TS. Nguyễn Đăng Liêm (Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT Gia Định) cho biết trường đang làm thủ tục xin đổi tên. Mang tiếng là trường chuyên đào tạo ngành CNTT nhưng thực tế đến nay, số lượng tuyển sinh của ngành này mỗi năm một giảm và vẫn chịu cảnh lép vế, đứng sau những ngành “tay trái” khác như quản trị kinh doanh, kế toán… Trong khóa đầu tiên từ khi thành lập (năm 2007), trường tuyển được trên 300 chỉ tiêu nhưng đến hai khóa tiếp theo, con số này giảm lần lượt còn hơn 250 và 120 chỉ tiêu. Không chỉ riêng Trường ĐH CNTT Gia Định, đây là thực trạng và cũng là khó khăn chung của nhiều trường có đào tạo ngành CNTT.
Điểm chuẩn là một trong những yếu tố phản ánh rõ nhất “vị thế” của ngành nghề trong từng thời kỳ nhất định. Thế mà trong vòng 5 năm trở lại đây, điểm chuẩn của ngành CNTT tại nhiều trường tụt giảm nhanh chóng. Đơn cử, nhóm ngành CNTT Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM năm 2008 có điểm chuẩn NV1 là 20 thì các năm 2009 và 2010 giảm xuống 18 và đến năm 2011 chỉ còn 17. Trường ĐH Sài Gòn giảm từ 15,5 điểm năm 2009 xuống còn 15 năm 2010 và 14 năm 2011. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2011 chỉ lấy 18,5 điểm trong khi các năm trước rất cao, cụ thể năm 2008 là 21; 2009 là 21,5; 2010 là 19… Nguyên nhân của việc “hạ nhiệt” ở ngành CNTT một phần phải kể đến sự lấn át của trào lưu chọn khối ngành kinh tế ở thí sinh trong những năm gần đây. Và ngay cả năm nay, chiếm nhiều nhất trong toàn chỉ tiêu Bộ GD-ĐT thống nhất giao cho tuyển sinh cả nước vẫn là khối ngành kinh tế – tài chính ngân hàng thì chắc hẳn áp lực lớn đối với tuyển sinh ngành CNTT tại các trường là điều khó tránh khỏi. Khó khăn cũng sẽ rơi nhiều vào các đơn vị ngoài công lập và có lẽ sẽ tái diễn cảnh các trường phải chực chờ, ngóng đợi từng thí sinh ở mỗi mùa tuyển sinh.
Nhìn vào thực tế này, ít ai nghĩ rằng, chỉ cách đây khoảng 5-7 năm, CNTT từng được xem là ngành “hot” và là niềm ao ước của biết bao người học.
“Thay áo mới” cho chương trình
Trước đây, đi kèm với nhu cầu mạnh mẽ của người học là hàng loạt trường xin mở ngành. Từ 7 trường đào tạo ngành CNTT năm 1995, đến nay cả nước đã có đến vài trăm trường. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện đã có 35 trường ĐH tuyển sinh ngành CNTT, trong đó, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển nhiều nhất với gần 15% tổng chỉ tiêu và Trường ĐH Việt Đức tuyển ít nhất, chiếm 1%. Ở hệ CĐ, có 20 trường CĐ và 18 trường ĐH đào tạo ngành này. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, chiếm 6%. Thấp nhất là Trường ĐH Hùng Vương, chỉ chiếm 0,6%. Bên cạnh đó, còn có 7 trường đào tạo bậc CĐ nghề; 44 trường đào tạo bậc TCCN, trong đó Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có số chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất và Trường TC Phương Nam có chỉ tiêu thấp nhất. Chỗ học nhiều, nhu cầu nhân lực của thị trường lao động ở lĩnh vực CNTT trong các năm tới là rất lớn, thế nhưng vẫn kiếm không ra người học. Sự “khập khiễng” giữa chương trình đào tạo và yêu cầu tuyển dụng được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản. Đại diện một trường ĐH ngoài công lập cho rằng do thực chất, chương trình đào tạo CNTT hiện nay còn khá dàn trải, thiếu chuyên sâu trong khi đây lại là yếu tố các doanh nghiệp tuyển dụng chú trọng. Vì vậy, nếu chỉ để học chuyên sâu một hoặc vài lĩnh vực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, tất yếu thí sinh sẽ ưu tiên chọn những khóa học ngắn hạn khác, vừa đỡ chi phí, vừa tiết kiệm được thời gian.
Rõ ràng, việc “thay áo mới” để chương trình đào tạo sát sao với thực tế là hết sức cần thiết, một khi sinh viên học xong có thể đáp ứng ngay với yêu cầu thực tế của công việc thì họ sẽ thấy được ý nghĩa của thời gian, công sức đã bỏ ra và không còn quay lưng với ngành học. Và quan trọng, khi xã hội còn cần, thậm chí cần một nguồn rất lớn nhân lực, thì việc khôi phục vị thế của ngành vẫn tốt hơn là cứ bỏ mặc, “cho lui” để chạy theo đào tạo những ngành học thời thượng, ngành “hot”. Bởi theo các chuyên gia giáo dục, nhiều ngành có thể “hot” ở thời điểm này nhưng sẽ bão hòa ở những năm sắp tới.
Bài, ảnh: Mê tâm
Bình luận (0)