Trường ĐH CNTT Gia Định có hướng xin đổi tên trường vì không tuyển đủ thí sinh cho chính ngành thế mạnh của mình. Ảnh chụp sinh viên trường trong giờ học
|
Người học đang dần quay lưng với ngành công nghệ thông tin (CNTT), trong khi nhu cầu nhân lực hằng năm của ngành này vẫn rất nhiều.
Chỉ tiêu cho ngành CNTT trên cả nước tăng nhưng số lượng đăng ký trên thực tế lại không đạt 100%. Điểm chuẩn đầu vào của ngành này những năm gần đây có sự tụt giảm. Trong khi đó, những ngành thời thượng như ngành kinh tế “lấn sân” khiến học sinh quan tâm đến CNTT ngày càng ít đi.
Nhu cầu nhân lực lớn
Hiện TP.HCM có 34 ngàn người làm việc trong ngành CNTT. Theo Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM, nguồn nhân lực CNTT còn khá trẻ, 70% có độ tuổi dưới 30. Mặc dù gần 90% doanh nghiệp hài lòng về chất lượng chuyên môn và gần 65% doanh nghiệp hài lòng về kỹ năng mềm của người lao động song trình độ ngoại ngữ vẫn là hạn chế lớn, nhất là đối với việc tiến hành đào tạo bổ sung ở nước ngoài.
Bộ Thông tin – Truyền thông cũng ước tính trong vòng 5 năm tới các doanh nghiệp CNTT trong nước có nhu cầu tuyển dụng trên 400 ngàn người, đồng thời các cơ quan Nhà nước cũng cần tuyển khoảng 15 ngàn lao động.
Nhu cầu lớn như vậy nhưng trên thực tế, số lượng sinh viên trên cả nước được đào tạo mỗi năm chưa cung ứng đủ. Chỉ tính riêng năm 2011, cả nước có khoảng 42 ngàn sinh viên học ngành này tốt nghiệp.
Mặc dù tổng số chỉ tiêu tuyển sinh tăng nhưng con số tuyển được trên thực tế chỉ đạt 85%. Trong khi đó, chương trình đào tạo “rộng” chứ không “sâu” khiến sinh viên ra trường không đáp ứng ngay được yêu cầu công việc.
Bộ Thông tin – Truyền thông cũng nhìn nhận, sinh viên ra trường thiếu kiến thức, khả năng tư duy và làm việc độc lập. Còn khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ thì rất kém. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo lạc hậu, thiếu cập nhật, chất lượng giảng viên chưa đáp ứng, cơ sở vật chất chưa đảm bảo…
Đã vậy, người học ngày càng có xu hướng “rời xa” ngành này. Thể hiện rõ nhất là số lượng đăng ký và điểm chuẩn đầu vào tụt giảm nhiều qua các năm. Đơn cử, ngành khoa học máy tính của Trường ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay chỉ tuyển được 8 sinh viên trong khi chỉ tiêu lên đến 80. Nhiều trường khác, nhất là các đơn vị ngoài công lập cũng rơi vào tình trạng tương tự.
“Kéo” người học về với CNTT
Không chỉ ở nước ta, trên thế giới hiện cũng đang thiếu hụt 1,5 triệu nhân lực phần mềm và không thể tự bù đắp. Dự kiến, đến năm 2020, con số thiếu hụt này lên đến 10 triệu lao động. Ông Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT – lý giải: Ngành CNTT ở nước ta rơi vào tình trạng “thoái trào” một phần do Nhà nước thiếu chính sách phù hợp, không tạo được sức hấp dẫn cho ngành học. Chất lượng đào tạo tại các cơ sở chưa cao, chưa định hướng nghề nghiệp và quốc tế hóa, đầu ra không đủ kỹ năng làm việc. Hợp tác đào tạo giữa nhà trường và đơn vị sử dụng lao động chưa khắng khít.
Ông Lê Trường Tùng đề nghị nâng suất đầu tư đào tạo sinh viên nói chung và ngành CNTT nói riêng để thu hút người học. Bên cạnh đó, vấn đề nâng mức thu nhập cũng là hướng “kéo” học sinh về lại với ngành học. Theo một doanh nghiệp, mức thu nhập cho lao động thiếu hấp dẫn, chưa cạnh tranh được với nhiều ngành nghề khác. Trong khi đó, yêu cầu về chuyên môn và kỷ luật lao động lại rất cao.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Nhà nước cần tập trung vào giải pháp thu hút người giỏi và hỗ trợ đào tạo để bổ sung nhân lực; hỗ trợ kinh phí cho các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm bổ sung các kiến thức về lĩnh vực mà nhu cầu nhân lực đang cần.
Trong một số định hướng về chính sách và chương trình phục vụ phát triển nguồn nhân lực ngành CNTT của Bộ Thông tin – Truyền thông có xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn kỹ năng về CNTT. Dự kiến việc xây dựng chuẩn kỹ năng cho nhân lực CNTT của Việt Nam đạt mức tương đương với trình độ các nước khu vực và thế giới, trên cơ sở tham khảo “chuẩn” của Nhật Bản và châu Âu. Song song đó, cần có một hệ thống sát hạch, cấp chứng chỉ kỹ năng CNTT nhằm đánh giá năng lực của nhân lực ngành này trên cơ sở tham chiếu với các tiêu chí thuộc bộ chuẩn kỹ năng tương ứng.
Bài, ảnh: Thục Trân
Hiện ở TP.HCM, 100% các trường THPT và THCS bắt buộc học môn CNTT. Có khoảng 200 trường trung cấp nghề và trung tâm đào tạo tin học có dạy kỹ năng về CNTT. Trên 80 trường ĐH, CĐ cung cấp khoảng 8.000 chuyên viên CNTT hằng năm. Ở trình độ sau ĐH, chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ do Thành ủy, UBND TP.HCM thực hiện hằng năm cũng cung cấp trên 100 thạc sĩ và 15 tiến sĩ chuyên ngành này. |
Bình luận (0)