Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngành công nghệ thông tin: Nghịch lý thiếu – thừa

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học sinh đặt câu hỏi về ngành CNTT cho Ban tư vấn trong các buổi tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục từ TCCN đến ĐH đều có đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT), nhưng theo thống kê của các chuyên gia, thị trường lao động ngành này sẽ thiếu hụt nhân lực trong tương lai. Tại các buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ở nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM, rất đông học sinh quan tâm đến ngành học này.
Doanh nghiệp “khát” nhân lực
Tại Trường THPT Lương Văn Can, một học sinh thắc mắc: “Em muốn học ngành CNTT nhưng em không biết ngành này cần những tố chất gì để phát triển?”. Hay em Nguyễn Tuấn Anh (học sinh lớp 12, Trường THPT Hiệp Bình) chia sẻ: “Em tính đăng ký thi ngành CNTT vì nghe nói ngành này dễ kiếm việc làm và lương lại cao. Tuy nhiên, em chưa có niềm đam mê với ngành này, vậy em có nên theo đuổi hay không?”. Còn một học sinh ở Trường THPT Võ Trường Toản đặt câu hỏi: “Em được biết hiện nay ngành CNTT có nhu cầu nhân lực cao nhưng ngành này có rất nhiều chuyên ngành nhỏ, em nên theo học chuyên ngành nào mới dễ kiếm việc làm…”.
Đúng như những thông tin mà các em học sinh đưa ra, thị trường lao động ngành CNTT sẽ cần một nguồn nhân lực lớn trong tương lai. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Xu hướng phát triển nguồn lao động từ nay đến năm 2020 của Việt Nam có 4 ngành cần nhiều nhân lực nhất là CNTT, cơ khí, chế biến thực phẩm và hóa chất. Trong 4 nhóm ngành này, ngành CNTT sẽ cần khoảng 1 triệu lao động (gấp 3 lần số lượng lao động hiện tại). Riêng ở TP.HCM, đến năm 2015 sẽ cần khoảng 100.000 nhân lực ngành này để đáp ứng nhu cầu cho trên 10.000 doanh nghiệp. Với tốc độ tăng chỗ làm việc mới bình quân 3 đến 3,5% mỗi năm, thành phố sẽ có nhu cầu về nhân lực là 270.000 đến 280.000 chỗ làm việc/năm, riêng ngành CNTT chiếm khoảng 3-4% tổng nhu cầu này”.
Hiện nay tại TP.HCM có rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ngành này, từ các trung tâm, trường TCCN đến ĐH và mỗi nơi đào tạo những chuyên ngành nhỏ khác nhau. Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech đào tạo chương trình lập trình viên quốc tế, kỹ thuật viên phần mềm; ngành CNTT của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thì đào tạo mạng máy tính và phần mềm ở bậc CĐ, riêng bậc TCCN còn có thêm chuyên ngành đồ họa và mỹ thuật đa phương tiện. Còn các trường ĐH như ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH CNTT TP.HCM… có các ngành như khoa học máy tính, hệ thống thông tin, kỹ thuật phần mềm…
Nhưng sinh viên vẫn thất nghiệp
Mặc dù thị trường lao động TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang thiếu nguồn nhân lực ngành CNTT nhưng ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Mặc dù đang thiếu nhân lực nhưng nhiều sinh viên ngành CNTT khi tốt nghiệp vẫn không xin được việc làm. Một trong những lý do xảy ra nghịch lý này là sinh viên không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng về kỹ năng thực hành thực tế cũng như các kỹ năng mềm khác”.
Thị trường lao động đòi hỏi người lao động không chỉ có tay nghề cao, trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có các kỹ năng mềm khác như giao tiếp, làm việc nhóm, đặc biệt là ngoại ngữ… ThS. Nguyễn Huy, Giám đốc hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech, chia sẻ: “Để thành công trong việc học cũng như hành nghề CNTT, các em cần có niềm đam mê, cố gắng học tập và trau dồi kỹ năng. Lương của một lao động ngành CNTT có thể lên đến hàng chục triệu đồng nếu họ hội tụ đủ các kỹ năng và tay nghề cao”.
Còn  ThS. Vũ Phạm Việt Hà, Trưởng khoa CNTT Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho hay: “Tổng số học sinh, sinh viên ngành CNTT của trường gần 1.200 em. Khoa vừa mở bậc CĐ được 3 năm và TCCN được 2 năm nên mới chỉ có hệ TCCN tốt nghiệp. Hầu hết các em đều học tiếp liên thông hoặc có việc làm ổn định. Ở trường, các em không chỉ được đào tạo sâu về kiến thức chuyên môn mà còn được nâng cao các kỹ năng mềm thông qua hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên, các lớp tập huấn, báo cáo chuyên đề… nên các em có thêm nhiều cơ hội để xin việc làm”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Theo thống kê của Trung tâm Tin học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, 42% sinh viên ngành CNTT thiếu kỹ năng mềm và doanh nghiệp phải đào tạo lại 70% sinh viên vào làm.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)