Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngành công nghệ thông tin: Rộng “cửa” cho thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học CNTT

Theo các chuyên gia tuyển sinh dự báo, kỳ tuyển sinh ĐH – CĐ 2010, công nghệ thông tin (CNTT) dù được xem là ngành “hot” nhưng cơ hội đậu lại rộng hơn các ngành khác.
Nhu cầu tăng cao
Tại một hội thảo về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT tổ chức mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết trong 3 năm trở lại đây đã có sự “bùng nổ” về đầu tư ở lĩnh vực CNTT. Theo đó trong năm 2010, thành phố cần thêm khoảng 100.000 lao động CNTT, và ước tính đến năm 2015, cả nước cần trên 330.000 lao động ở lĩnh vực này. Còn theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay nguồn nhân lực CNTT tại các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng và đến năm 2015, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT sẽ là 250.000 lao động. Theo một chuyên gia tuyển sinh cho biết, từ năm 2004 đến nay, chỉ tiêu đào tạo CNTT bình quân mỗi năm đều tăng 50%. Theo ông Phi Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM nguyên nhân làm cho nguồn nhân lực CNTT sẽ “khát” trong những năm tới là do các yếu tố sau: Do các dự án xây dựng hạ tầng, ứng dụng CNTT từ phía Chính phủ; Việc ứng dụng CNTT trong khối doanh nghiệp tăng đột biến; Sự đầu tư mạnh của các tập đoàn CNTT đa quốc gia vào Việt Nam nên cần nguồn nhân lực với số lượng lớn…
Theo thống kê của Hội Tin học TP.HCM, mỗi năm các cơ sở đào tạo CNTT trên cả nước đào tạo được 10.000 sinh viên, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực CNTT là 30.000 người, tăng 30% mỗi năm.
Không nhất thiết điểm cao mới đậu
Hiện cả nước có 390 trường ĐH, CĐ, TCCN… có những chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực CNTT. Riêng địa bàn TP.HCM có gần 50 cơ sở đào tạo CNTT ở cấp độ từ ĐH, CĐ, TCCN với số lượng đào tạo khoảng 50.000 sinh viên/năm. Theo thống kê của Hội Tin học TP.HCM, số lượng các trường có đào tạo CNTT ở phía Nam tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể: Khối trường ĐH công lập, năm 2006 có 28 trường, năm 2007 có 33 trường và năm 2008 có 35 trường; Khối các trường ĐH ngoài công lập, năm 2006 có 17 trường, năm 2007 có 19 trường và 2008 có 26 trường… Trong những năm gần đây, dẫn đầu về điểm chuẩn ngành CNTT ở khu vực phía Nam là Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: năm 2007 lấy 23 điểm, năm 2008 lấy 21,5 điểm và năm 2009 lấy 21 điểm. Xếp sau là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (năm 2009 lấy 18 điểm), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (năm 2009 lấy 17,5 điểm). Còn Trường ĐH CNTT (ĐHQG TP.HCM), mức điểm chuẩn năm 2009 cũng chỉ 16 điểm. Riêng khối trường ĐH ngoài công lập, mức điểm chuẩn cũng chỉ bằng điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn 1 – 2 điểm. Mức điểm này không khó lắm cho những thí sinh có học lực trung bình khá.
Theo TS. Nguyễn Thanh Nam – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trong 10 năm tới, nhân lực ngành CNTT ở Việt Nam vẫn thiếu. Vì vậy, ngành CNTT vẫn có sức hút thí sinh trong thời gian sắp tới. Ông còn cho rằng năm nay số lượng trường ĐH, CĐ có tuyển sinh ngành CNTT tiếp tục tăng, nên cơ hội cho thí sinh yêu thích ngành CNTT cũng sẽ “dễ thở”. Chỉ cần lưu ý chỉ tiêu của các trường thuộc tốp đầu thì cơ hội đậu là rất cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành CNTT cũng “lưu ý” thí sinh và phụ huynh khi chọn ngành này, cần cân nhắc kỹ tới khả năng cũng như lòng say mê của mình. Mặc dù ngành CNTT rất thiếu nhân lực, nhưng phải là nhân lực giỏi mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Theo TS. Nguyễn Thanh Nam – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năm nay số lượng trường ĐH, CĐ có tuyển sinh ngành CNTT tiếp tục tng, nên cơ hội cho thí sinh yêu thích ngành CNTT cũng sẽ “dễ thở”. Chỉ cần lưu ý chỉ tiêu của các trường thuộc tốp đầu là cơ hội đậu rất cao.
 

Bình luận (0)