Nhiều doanh nghiệp (DN) tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đang ưu tiên tìm mua nguyên vật liệu trong nước phục vụ sản xuất. Đây là thách thức không nhỏ cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam bởi đến nay, ngay cả ốc vít, bao bì, khuôn nhựa… vẫn phải nhập khẩu.
Đỏ mắt tìm nguồn cung
Năm 2010, Tập đoàn Intel của Mỹ đã xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử lớn nhất của họ tại SHTP với trị giá 1 tỷ USD. Chỉ sau 4 năm có mặt, Intel đã chiếm tỷ trọng lớn giá trị xuất khẩu của SHTP. Cùng với đó, tỷ lệ nội địa hóa của Intel cũng đạt trên 10% với tổng chi tiêu cho các nhà cung cấp nội địa trong năm 2013 đạt 11 triệu USD. Intel khẳng định dù muốn tăng cường tỷ lệ nội địa hóa nhiều hơn nữa, nhưng điều này khiến công ty gặp không ít khó khăn bởi số lượng các DN Việt Nam đáp ứng được điều kiện còn quá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc bộ phận thu mua Intel Việt Nam dẫn chứng, đầu năm 2014 một đối tác trong nước cung cấp hộp giấy đựng chipset cho nhà máy không đúng thời gian, đã khiến Intel phải đứng trước nguy cơ tạm dừng sản xuất. Kho hàng dự trữ chỉ đáp ứng tạm thời cho nhà máy hoạt động trong 24 giờ. Nguy cơ này bắt buộc Intel phải bỏ kinh phí không nhỏ để vận chuyển hộp giấy từ Malaysia về Việt Nam.
Các doanh nghiệp sản xuất quan tâm nhiều đến thiết bị máy móc nội địa.
Không chỉ có Intel mà nhiều DN khác đang hoạt động tại SHTP cũng gặp những khó khăn tương tự. Các hàng hóa được cung ứng bởi DN trong nước nếu không phải chậm thời gian giao hàng thì chất lượng cũng không đảm bảo, chưa kể khả năng đáp ứng nguồn hàng cho DN sản xuất còn rất thấp. Ông Osato Kazuhiko, Giám đốc điều hành JETRO tại TPHCM cho biết, tổng số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) được cấp phép vào Việt Nam năm 2013 là 22,4 tỷ USD, trong đó đầu tư từ các công ty Nhật Bản chiếm 26% với 500 dự án. Điều này có nghĩa Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Thế nhưng, theo khảo sát của JETRO năm 2013 thì tỷ lệ cung cấp nội địa cho các công ty Nhật chưa đến 32% tại Việt Nam và chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan. Trải qua 10 năm nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Trong vài năm gần đây, cho dù một số ngành chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch cao nhưng đi cùng với đó, giá nhập khẩu linh kiện, thiết bị cũng không hề thấp. Như lĩnh vực sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại, giá trị nhập khẩu đạt tới 58% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 40 tỷ USD sản phẩm công nghệ chế tạo, riêng linh kiện điện thoại gần 20 tỷ USD.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Tại hội nghị về phát triển công nghiệp hỗ trợ gần đây, một đại diện DN đã ví von nếu coi toàn bộ quy trình sản xuất một sản phẩm như một quả núi thì các ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chân núi. Công nghiệp hỗ trợ bao trùm nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng phục vụ sản xuất ô tô, xe máy mà vô số các loại sản phẩm cơ khí, điện, điện tử khác. Không có nó, công nghiệp lắp ráp sẽ không thể tồn tại. Đối với DN có sản phẩm xuất khẩu, càng có nhiều nguồn cung nội địa sẽ càng tiết giảm được chi phí sản xuất.
Quan trọng là vậy, nhưng hiện chính sách ưu đãi cho các DN sản xuất cũng chưa thật sự hiệu quả. Ông Trần Tiến Phát, Giám đốc điều hành Công ty Datalogic Việt Nam bày tỏ, nguồn nguyên liệu nội địa phải thu mua nhỏ lẻ hàng ngày. Nhưng hễ có nhập hoặc xuất hàng là phải làm thủ tục hải quan. Việc này mất không ít thời gian và công sức. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngân hàng hiện dao động từ 8% – 15%. Đối với các DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, vốn là DN vừa và nhỏ, đây là điều bất hợp lý.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban Quản lý Khu công nghệ cao cho rằng, các DN trong khu đã ý thức được tầm quan trọng đó và ưu tiên nhiều hơn để tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, nguồn nguyên liệu nội địa hóa kể trên vẫn rơi vào các sản phẩm đơn giản như bao bì, khay nhựa. Trong khi đó, các chi tiết máy phức tạp hơn, yêu cầu độ chính xác cao hiện vẫn đang thiếu nguồn cung. Hiện nay, Chính phủ và TPHCM đã có các chính sách ưu đãi cho DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng một số chính sách vẫn còn khiến DN gặp khó. Về lâu dài, vẫn cần thêm nhiều hỗ trợ mang tính định hướng và đột phá để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Trong số 20/38 DN kê khai tỷ lệ nội địa hóa tại Khu công nghệ cao TPHCM có khoảng 20% DN đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50%. Đáng chú ý là trong tốp 10 DN có tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu cao nhất tại thời điểm kiểm tra thì có đến 6/8 DN thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác – tự động hóa.
TƯỜNG HÂN (SGGP)
Bình luận (0)