Những năm qua, ngành công nghiệp (CN) của TP.HCM đã đạt được những thành công nhất định, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên để tiếp tục là đầu tàu, đòi hỏi TP.HCM cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển CN theo định hướng sáng tạo, bền vững, bao trùm, tạo động lực, lan tỏa, thúc đẩy CN vùng phát triển.
Công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM) giờ tan ca
Tỷ trọng có xu hướng giảm dần
TP.HCM hiện có 1 Khu Công nghệ cao, 19 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tập trung và 28 cụm CN. Hàng năm, TP đóng góp gần 25% nguồn thu ngân sách và gần 22% GRDP của quốc gia. Trong sự phát triển kinh tế của TP, ngành CN có vị trí quan trọng và tỷ trọng đóng góp cao.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, tỷ trọng CN TP.HCM trong cơ cấu CN cả nước có xu hướng giảm dần. Năm 2010, CN TP.HCM chiếm 15,38% giá trị tăng ngành CN cả nước nhưng đến 2021 chỉ còn 8,7%. Về tốc độ, giai đoạn 2011-2015, CN TP.HCM tăng trưởng bình quân 5,87% thì đến 2016-2021 giảm còn 2,67%/ năm.
Ông Trương Minh Huy Vũ – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng, điều này phản ánh thực tiễn TP không còn nhiều nguồn lực cho phát triển CN, đặc biệt là nguồn lực đất đai.
“So với cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM có số lượng và diện tích KCN đạt thấp, đứng thứ 6 về diện tích đất KCN được quy hoạch. Đến tháng 6-2021, TP.HCM còn 17% số KCN và 23% diện tích đất KCN được quy hoạch chưa được thành lập”, ông Vũ nói.
Ngoài ra, ông Vũ còn cho rằng, TP.HCM chủ trương hạn chế thu hút những dự án đầu tư thuộc các ngành thâm dụng lao động phổ thông. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất các dự án sản xuất CN từ TP.HCM ra các tỉnh diễn ra trong những năm qua cũng góp phần giảm tỷ trọng ngành CN TP so với cả nước.
Ông Nguyễn Mạnh Linh – Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương – chỉ ra rằng, sau thời gian phát triển, hệ thống KCN, cụm CN trên địa bàn TP bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững, ảnh hưởng đến không gian phát triển đô thị, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập. Tái cơ cấu ngành CN còn chậm. Hợp tác, sản xuất, cung ứng giữa khu vực doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn hạn chế.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, TP.HCM đã xác định 4 ngành CN trọng yếu là cơ khí; điện tử – công nghệ thông tin; hóa dược – cao su nhựa; chế biến lương thực – thực phẩm. Đây là những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, 4 ngành này lại chưa tạo ra đột phá trong phát triển. Số lượng doanh nghiệp CN đa số có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. TP cũng chưa có lĩnh vực CN, doanh nghiệp CN nổi trội, mang tính định hướng, dẫn dắt.
Cần thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Để giữ vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và cả nước, các chuyên gia góp ý, TP.HCM cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển CN theo định hướng sáng tạo, bền vững, bao trùm, tạo động lực, lan tỏa, thúc đẩy CN vùng phát triển.
Theo ông Linh, cần thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất CN. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực CN công nghệ cao, CN ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành CN, chú ý tái cơ cấu không gian phát triển CN, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết hợp hài hòa giữa phát triển hạ tầng CN với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội.
Theo bà Võ Minh Thư – Phó Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM, việc định hướng, xây dựng phương án phát triển cho từng KCX-KCN trong giai đoạn tới là cần thiết, nhằm hoạch định chính sách cho việc cơ cấu lại, đổi mới mô hình phát triển của các khu; đồng thời giúp nhà đầu tư an tâm và có kế hoạch đầu tư dài hạn tại TP.HCM.
Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục CN, Bộ Công thương – đánh giá, giai đoạn vừa qua, CN TP.HCM đạt được kết quả rất tốt và đáng ghi nhận nhưng rõ ràng chương trình phát triển CN chưa đạt được tầm vóc của TP.
Định hướng phát triển CN đến 2050, ông Hoài cho rằng, TP.HCM nên xây dựng một kế hoạch đến năm 2030 phát triển cái gì và trên cơ sở đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện (2020-2030) tiếp tục xác định đến 2050 sẽ làm gì.
“Việc xác định nhóm ngành, sản phẩm cụ thể nào là phải làm, không nên đưa vào chương trình chung chung”, ông Hoài nhấn mạnh.
Một số ngành công nghiệp chưa được đầu tư đúng mức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận, dù CN TP.HCM luôn có những đổi mới, tiếp cận sự phát triển trong suốt 50 năm qua nhưng đến thời điểm hiện nay, CN TP đang nằm trong nền CN có công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp. Một số ngành CN mới của TP chưa được đầu tư và phát triển đúng mức như CN thời trang, dược, điện ảnh, văn hóa cũng như các ngành CN hỗ trợ cho các nhà sản xuất – đầu tư lớn trên thế giới tham gia đầu tư tại TP.HCM. Do đó cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành động từ cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp, các ngành trong cộng đồng doanh nghiệp và trong mỗi người dân thành phố, xem đây như một cuộc cách mạng mang tính đột phá cho TP trong thời kỳ sản xuất CN trong những năm sắp tới… |
Theo ông Hoài, quan điểm của Chính phủ có 2 nhóm vấn đề đối với phát triển CN. Đó là các sản phẩm thương hiệu Việt Nam đảm bảo chủ trương đất nước trong bất cứ hoàn cảnh nào và giá trị gia tăng trong CN. Cách tiếp cận 2 nhóm vấn đề này là xây dựng các sản phẩm hạ nguồn, tức sản phẩm có thương hiệu để có thể cạnh tranh; đồng thời phát triển CN hỗ trợ để tạo ra giá trị gia tăng cao.
Ông Hoài nhấn mạnh, doanh nghiệp chính là người làm, còn Nhà nước có vai trò định hướng và hỗ trợ. Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc định hướng phát triển CN TP.HCM trong giai đoạn tới thành công hay không. Vì vậy, trong thời gian tới, TP cần hoàn thiện lại một số danh mục sản phẩm cụ thể trên cơ sở dữ liệu khu vực TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam để xem các tiềm năng cần đẩy mạnh là cái gì và xác định các sản phẩm cụ thể.
“TP.HCM cần tiếp tục triển khai các chương trình CN hỗ trợ và chương trình kích cầu đã thực hiện trong thời gian qua. Sở Công thương TP là đơn vị quản lý Nhà nước phải nâng cao hơn nữa vai trò thúc đẩy kết nối, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp triển khai các mục tiêu đặt ra. Đối với các sản phẩm chủ lực phải tìm được các doanh nghiệp “đầu tàu” và đặt hàng trên cơ sở nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế. Kèm theo đó có thể tính đến xây dựng hệ sinh thái các KCN chuyên sâu”, ông Hoài nói…
Phú Cát
Bình luận (0)