Cuộc lội ngược dòng trở lại “sân nhà” có phần trễ và khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) sản xuất giày dép trong nước đã từng bước giành lại thị phần nội địa. Giày dép “made in Việt Nam” hiện đã chiếm khoảng 50% trong 130 triệu đôi giày tiêu thụ tại Việt Nam (VN) mỗi năm.
Dùng giày Việt nhiều hơn
Bài học đắt giá cho nhiều DN da giày VN, trong khi mãi lo chạy đua, cạnh tranh khốc liệt ở bên ngoài, thì ngay chính trên “sân nhà” của mình lại để cho hàng nước ngoài thống lĩnh. VN là một trong 5 nước xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới nhưng lại phải chen chân trong cung ứng giày dép cho 86 triệu dân tại thị trường nội địa.
Trong nhiều năm qua, giày dép của Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) gần như chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ tại VN, nhất là hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Bằng quyết tâm và với mục tiêu chiến lược, ngành da giày VN đã từng bước đầu tư nhiều hơn cho thị trường nội địa. Các thương hiệu Biti’s, Bita’s, Vina Giày, T&T rồi đến Hồng Thạnh, Tân Thành, Hồng Anh… đã được người tiêu dùng ưa chuộng, ngày một lớn mạnh qua việc mở rộng kênh phân phối bán lẻ trong nước. Trong đó, có nhiều thương hiệu đã tiến ra thị trường nước ngoài, có mặt ngay chính ở Trung Quốc, nơi cung ứng giày dép hàng đầu thế giới.
Chọn mua giày Việt Nam chất lượng cao tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu.
Nhiều người tiêu dùng VN chia sẻ, qua nhiều sự cố về việc kém chất lượng, sản phẩm gây độc hại từ hàng Trung Quốc bị phát hiện ở VN và nhiều nước trên thế giới, người tiêu dùng VN đã có sự e dè trong việc chọn mua hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Chị Lê, chủ cửa hàng An Hạ, bán giày dép khá lớn tại chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, TPHCM cho biết, giày dép của Trung Quốc khá đa dạng, mẫu mã bắt mắt, nhìn vào muốn mua ngay nhưng lại dễ hở keo dán, nhanh hư.
Xác định buôn bán giữ uy tín, chị Lê khẳng định không bày bán hàng Trung Quốc. 80% giày dép bán tại quầy của chị là hàng Việt Nam do gia đình sản xuất và đặt mua ở các DN sản xuất giày lớn ở TPHCM; chỉ 20% còn lại là mặt hàng giày thời trang của nước ngoài. Chị Lê chia sẻ thêm, kiểu dáng giày dép của các DN trong nước sản xuất đã có tiến bộ hơn, tuy không bằng hàng nước ngoài nhưng cũng đã có sự cập nhật về thời trang. Mặt hàng sandal dành cho học sinh, giày dép cho nam giới bày bán ở các chợ, cửa hiệu hầu hết là hàng VN. Những mặt hàng này khá chắc chắn và bền, giá bán lại thấp hơn 20%-30% so với hàng Trung Quốc nên được người mua lựa chọn.
Từ việc chỉ cung ứng được khoảng 20%-30% giày dép cho thị trường nội địa trước đây, DN trong nước đã phân chia lại miếng bánh thị phần qua việc khẳng định chất lượng hàng hóa. Theo Hiệp hội Da giày VN, với đời sống ngày một nâng cao, mức tiêu thụ bình quân của người dân VN hiện nay đã tăng từ 0,6 đôi giày/người/năm (năm 2000) lên 1,5 đôi giày/người/năm. Với 86 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ giày dép cho thị trường nội địa hiện nay ở khoảng 130 triệu đôi (chủ yếu sản phẩm giả da). Con số này cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng sản xuất khoảng 780 triệu đôi/năm của ngành da giày hiện nay.
Làm chủ “sân nhà”
Giày dép sản xuất trong nước có được lợi thế sản xuất tại chỗ, chi phí phân phối sẽ thấp hơn so với hàng nhập. Tuy nhiên, hiện nay hàng cấp thấp, hàng lậu trốn thuế qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc vào thị trường VN vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày VN nhận xét, cơ cấu tiêu dùng mặt hàng giày dép tại thị trường VN hiện nay, hàng cấp thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 60%-70% tổng lượng hàng tiêu thụ.
Trong đó, hàng Trung Quốc chiếm hơn 50% phân khúc thị trường này. Các mặt hàng dép, sandal chiếm đến 50%-60% nhưng giá trị mang lại thấp hơn so với những mặt hàng khác. Thói quen sử dụng giày thể thao của người VN chưa nhiều, chỉ chiếm 3%-5% trong tiêu thụ nội địa. Tỷ trọng hàng giày thể thao, hàng da có giá trị cao trong tiêu thụ nội địa không nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho giày dép giá rẻ Trung Quốc có sức cạnh tranh cao so với giày dép VN. Tuy nhiên, với chiến lược phát triển mà Bộ Công thương vừa đưa ra cuối năm 2010, ngành da giày sẽ là một trong những ngành kinh tế quan trọng được đầu tư, phát triển. Theo đó, ngành da giày sẽ phát triển đều cả “2 chân” – trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Để tiến tới việc chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ mặt hàng giày dép tại thị trường nội địa, ngoài các DN sản xuất tiêu thụ tại nội địa hiện nay, ngành da giày cũng cần có sự tham gia của các DN xuất khẩu. Vì hơn ai hết, các DN xuất khẩu đã tiếp cận với công nghệ sản xuất giày dép tiên tiến, có kinh nghiệm, chỉ số size, các chuẩn mực cơ bản về hóa chất, chịu lực của giày… Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng ngày một nâng cao, ngoài làm hàng xuất khẩu, DN có thể tham gia cung ứng phân khúc hàng trung và cao cấp cho thị trường nội địa. Ngành da giày hy vọng, tỉ trọng hàng trung, cao cấp được nâng lên sẽ là động lực hấp dẫn các DN đã làm hàng xuất khẩu.
Với đà tăng trưởng với mức dự báo khoảng 8%/năm trong thời gian tới, mức tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ gia tăng cao hơn. Dự kiến, đến năm 2020, tiêu thụ giày dép nội địa khoảng 355 triệu đôi giày/năm. Trong đó, giày dép của VN sản xuất chiếm 70% – 80% thị trường.
MỸ HẠNH / SGGP
Bình luận (0)