Khi đời sống con người ngày càng được nâng cao, chất lượng thực phẩm và an toàn càng được quan tâm. Ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, Trường ĐH Công Thương TP.HCM đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ sức khỏe con người.
Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm là một lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu về việc bảo quản, xử lý, chế biến, lưu trữ thực phẩm bằng những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra hay đảm bảo các khâu chế biến cần được thực hiện nghiêm ngặt để tránh các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng đang tiềm tàng.
Ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ năng và ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động toàn cầu.
Sinh viên theo học Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm sẽ được trang bị những kiến thức thuộc khối cơ sở ngành như đánh giá cảm quan thực phẩm, hóa học thực phẩm, vi sinh vật học thực phẩm, phân tích hóa lý thực phẩm…
Người học được trang bị các kiến thức cơ bản về lý luận; Khối kiến thức cơ sở ngành về hóa sinh thực phẩm, vi sinh vật thực phẩm, các kỹ thuật phân tích thực phẩm, các mối nguy trong thực phẩm và các nguyên tắc quản lý mối nguy trong thực phẩm; Khối kiến thức chuyên ngành gồm các học phần về Công nghệ sản xuất và kiểm soát chất lượng các sản phẩm thực phẩm như: sữa, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thịt, thủy sản, lương thực, trà, cà phê, ca cao…
Nguyễn Tuấn Kiệt, hiện đang là sinh viên năm thứ tư, chuyên ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm Trường ĐH Công Thương TP.HCM. Theo Kiệt, ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm có rất nhiều học phần thực hành, điển hình là các môn như công nghệ chế biến, kiểm soát chất lượng và phân tích hóa lý… Những học phần này không chỉ giúp sinh viên hiểu biết sâu sắc về quy trình sản xuất và kiểm định mà còn trang bị kỹ năng vận hành và hiệu chỉnh thiết bị trong thực tế.
Mặt khác, các học phần thực hành giúp sinh viên ngành Đảm bảo chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm có nhận thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan. Quan trọng nhất, sinh viên theo học có thể hiểu được một quy trình sản xuất hoặc quy trình khảo sát chất lượng sẽ phải làm như thế nào và cả cách các thiết bị hoạt động, cách hiệu chỉnh…
Theo học tại Trường ĐH Công Thương TP.HCM, theo Kiệt một trong những ấn tượng nhất là được học với những giảng viên có kinh nghiệm. “Các giảng viên của ngành luôn để lại trong em những điều thú vị, họ vừa là người dẫn đường, nhưng cũng là người đồng hành với sinh viên”, Kiệt nói. Các giảng viên cũng luôn khuyến khích sinh viên tự tìm tòi, phát triển, học nâng cao cũng như bổ sung các kỹ năng.
Với triển vọng nghề nghiệp hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm Trường ĐH Công Thương TP.HCM có thể làm việc trong các công ty thực phẩm, phù hợp với các vị trí: QA, QC, R&D, phòng phân tích, điều hành sản xuất, kế hoạch vật tư, xây dựng và công bố chất lượng sản phẩm…
Làm việc ở các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, hệ thống nhà hàng, resort, hệ thống siêu thị: chuyên viên đánh giá nhà cung cấp, quản lý chất lượng và an toàn trên toàn bộ quy trình sản xuất và bảo quản sản phẩm.
Làm việc trong các cơ quan Nhà nước với các vị trí như chuyên viên thanh tra, đánh giá, cấp phép cho các công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm trực thuộc sự quản lý của Sở Công thương, Sở NN&PTNT và Sở Y tế.
Hoặc có thể tham gia vào các công ty tư vấn đào tạo hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm: Chuyên gia đào tạo và tư vấn xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, tư vấn công bố chất lượng sản phẩm; Các công ty đánh giá cấp chứng nhận: Chuyên gia đánh giá các hệ thống quản lý chất lượng và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể học lên để làm nghiên cứu viên, giảng viên trong tại các trường ĐH và CĐ đào tạo ngành này.
Theo Nguyễn Tuấn Kiệt, với ngành công nghiệp thực phẩm đang không ngừng phát triển, cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp là rất lớn. Hiện tại, Kiệt đã chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai bằng cách học thêm các khóa học kỹ sư và tiếng Anh để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. “Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào của ngành công nghệ thực phẩm, em nghĩ tiếng Anh luôn là một kỹ năng cần thiết”, Kiệt nhấn mạnh và cho biết, trang bị những kiến thức này sẽ giúp cơ hội tìm việc làm cao hơn.
P.V
Bình luận (0)