Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngành dệt may: Công nhân yên tâm nghỉ tết

Tạp Chí Giáo Dục

Đến thời điểm này, khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) dệt may đã hoàn thành kế hoạch thưởng tết. Khác với những năm trước, dù đơn hàng sản xuất rất nhiều nhưng hầu hết DN vẫn xếp lịch cho công nhân về quê nghỉ tết kéo dài từ 10-15 ngày. Đây cũng là cách tránh biến động lao động sau tết.

Chăm lo tết tươm tất

Nhiều DN dệt may tại TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ cho biết, dù thị trường xuất khẩu dệt may vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2011 được đánh giá là một năm khá thành công. Dệt may đã có bước tăng trưởng ngoạn mục gần 25%, về đích vượt mục tiêu với 11,17 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010. Với tình hình thị trường đang thuận lợi như hiện nay, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt khoảng 13 tỷ USD cho năm tới.  
Nhờ thị trường xuất khẩu thuận lợi nên năm nay, DN dệt may có mức thưởng tết ổn định hơn. Hầu hết DN đều có tháng lương 13 cho công nhân. Các DN có điều kiện hơn có thêm các chế độ chăm sóc khác như quà tết, xe đưa công nhân về quê ăn tết và đón công nhân trở lại TP làm việc. Hiện nay, mức lương thấp nhất của lao động dệt may tại TP là khoảng 2 triệu đồng. Mức lương của nhiều DN lớn khoảng 3,5 – 4,5 đồng/tháng.
Trong dịp tết này, không chỉ dừng lại ở một tháng lương 13, nhiều DN may lớn, sản xuất đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), năng suất lao động cao đã chia sẻ hiệu quả kinh doanh, với 2 tháng lương 13 cho công nhân ăn tết. Một số DN lớn trong hệ thống Tổng Công ty Dệt may Gia Định như May Sài Gòn 3, Garmex… có mức thưởng cho người lao động khá cao. Với mức lương bình quân  3,5 – 4,5 đồng/tháng, mức thưởng thấp nhất của công nhân khoảng 7 triệu đồng/người. Với số lao động 2.500 – 2.700 người, quỹ lương thưởng cho dịp tết của các doanh nghiệp trên lên tới 19-20 tỷ đồng.
Trong thời điểm hiện nay, khi nhiều đơn vị hành chính, DN vẫn còn trong tình trạng khó khăn, chưa xoay xở và có kế hoạch chính xác cho mức thưởng cuối năm, mức thưởng trên của lao động dệt may quả là con số đáng ghen tỵ của nhiều công chức. 
Nhiều chính sách giữ chân lao động
Khác với những năm trước, năm nay phần lớn các DN dệt may tại TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đều có ngày nghỉ tết dài, 10-15 ngày. Dù đơn hàng nhiều nhưng DN không “ép” lao động làm sớm như trước vì DN có lên kế hoạch sản xuất sớm, lao động cũng không thể rời quê vào làm việc đúng lịch. Bài học thiếu lao động sau tết trong nhiều năm qua đã cho các DN kinh nghiệm để có cách giữ người. DN dệt nay tâm đắc, một năm chỉ có một dịp để công nhân về quê, nếu cho họ dư dả thời gian nghỉ tết sẽ không gây áp lực dẫn đến việc bỏ việc, không trở lại nhà máy. Để lao động được nghỉ dài ngày trong dịp tết đã và đang là một chính sách giữ chân lao động hiệu quả.
Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) nhận xét, với giá cả sinh hoạt đang tăng lên từng ngày như hiện nay, một người công nhân làm việc, muốn trụ lại TPHCM, mức lương phải khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Dù tình hình đơn hàng, thị trường xuất khẩu đang có nhiều thuận lợi nhưng với những DN chuyên gia công, khó có thể dựa trên lợi nhuận để điều chỉnh, chia sẻ thêm cho người lao động. Vì đối với đơn hàng gia công, các nhà nhập khẩu chỉ chịu đàm phán tăng giá ở mức thấp so với những đơn hàng FOB. “Trong cái khó, ló cái khôn”, nhiều DN phải tính đến việc ngưng làm cho những đơn hàng lớn, chỉ nhận những đơn hàng nhỏ có lợi nhuận khá hơn.
Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Long An cho biết, đến thời điểm này, DN đã có đơn hàng sản xuất trọn năm 2011, với cam kết chọn giá bán tại thời điểm giao hàng. Trong năm 2009, mức lương của DN trả công nhân trung bình ở mức 1,8 triệu đồng – 2 triệu đồng/tháng/người. Nhưng sang năm 2010, DN đầu tư 100% máy mới, năng suất tăng cao hơn, nhờ vậy, mức lương của lao động tăng lên trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Với mức lương này, so với nhiều DN tại địa phương là khá cao. Vì vậy, DN cũng rất tự tin trong việc giữ chân lao động.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM đánh giá, ngành dệt may phát triển dựa trên 4 yếu tố: thị trường, công nghệ, nhân lực và nguồn nguyên liệu. Về thị trường, Việt Nam đang có thuận lợi và đây không chỉ là một xu thế ngắn hạn mà đang là xu thế bền vững. Công nghệ không phải là vấn đề khó khăn. Hiện nay, DN dệt may Việt Nam đã ý thức đầu tư mạnh cho công nghệ để gia tăng năng suất lao động. Với nguồn lao động trẻ, rõ ràng Việt Nam không thiếu lao động cho ngành may.
Tại TPHCM và các đô thị có thể thiếu lao động như tại các địa phương thì không hề thiếu. Vấn đề còn lại chính là nguồn nguyên liệu. Đây là trở ngại lớn nhất của dệt may Việt Nam hiện nay. Từ sản xuất thực tế, lấy sản phẩm thế mạnh của dệt may Việt Nam, chúng ta sẽ khoanh vùng đầu tư một vài nguyên liệu thế mạnh, hiệu quả để phục vụ sản xuất trong nước, những nguyên liệu khác có thể mua ở nước ngoài. Dệt may Việt Nam đang dần nắm bắt thời cơ để gia tăng giá trị xuất khẩu và với xu hướng hiện nay, dệt may vẫn là một ngành quan trọng đối với kinh tế của đất nước trong những năm tới.
Mỹ Hạnh / SGGP

 

Bình luận (0)