Sản xuất tại Cty giày Thượng Đình. Ảnh: Kỳ Anh |
Đầu năm 2009, các DN dệt may đau đầu vì buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng trầm trọng. Đến nay, nhiều DN chưa kịp vui mừng vì đã có đơn hàng để làm đến hết quý II và quý III/2009, thậm chí có đơn vị có đơn hàng cho đến hết năm, đã lại đau đầu vì một khó khăn khác: Thiếu lao động.
Tuyển 200, nhận được 20 hồ sơ
Ông Phạm Xuân Hồng – Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek) – cho biết: Phần lớn các DN thành viên Agtek đang thiếu khoảng 10-15% số CN để đảm bảo năng lực sản xuất. Theo dự báo cung cầu lao động tại TPHCM quý II/2009, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN ngành dệt may tăng 2,19% so với quý I. Nhiều DN dệt may đang cần tuyển vài trăm đến cả nghìn CN.
TTGTVL của Ban quản lý các KCN-KCX TPHCM (Hepza) trong tháng 5.2009 có nhu cầu tuyển 5.000 CN may và 4.000 CN giày da. TTGTVL TPHCM trong tuần đầu tháng 6 cũng cần 800 CN may và 500 CN giày da.
Các DN dệt may, da giày ở phía bắc cũng trong tình trạng tương tự. Một số DN đang treo biển tuyển dụng cả trăm CN, như: Cty CP dệt may Hà Nội Hanosimex, Cty dệt 19.5, Cty dệt kim Đông Xuân, Cty CP giày Vĩnh Yên, Cty CP giày Đông Anh… Nhiều Cty phải hạ tiêu chuẩn, tuyển dụng cả LĐPT, thưởng nóng cho CN giới thiệu được LĐ mới.
Ông Nguyễn Đình Lam – Trưởng phòng Tổ chức, lao động, tiền lương Cty giày Thụy Khuê – cho biết: "Cty đang thiếu khoảng 200 CN, chấp nhận cả CN chưa biết nghề để đào tạo, nhưng cả tháng 5 chỉ nhận được 20 hồ sơ". Nhiều Cty dệt may còn khó khăn hơn, treo biển tuyển dụng cả tháng cũng chỉ nhận được vài hồ sơ, chưa kể số LĐ hiện thời lại "nhảy" việc trước chiêu lôi kéo của Cty khác.
CN về quê không trở lại
Chính cán bộ tuyển dụng của một vài Cty dệt-may cũng thừa nhận, CN dệt may hay phải làm ca, thu nhập bình quân chỉ 1-1,5 triệu đồng/tháng không đủ chi trả sinh hoạt, nên họ chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn. Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, nguyên nhân chính là do CN mất việc hồi đầu năm đã trở về quê và không quay lại thành phố.
Ông Hồng cho biết: "Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông thôn nên NLĐ quay về bám đất. Một số khác tìm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, KCN ngay tại địa phương, lương có thể thấp hơn, nhưng chi phí không đắt đỏ như ở thành phố lớn".
Để giúp các DN tìm nguồn LĐ, TTGTVL nhiều địa phương đã kết nối các DN có CN mất việc với các DN đang thiếu LĐ cùng ngành nghề. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết: "Agtek đã gửi văn bản cho các phòng LĐ các địa phương, đề nghị phối hợp tuyển LĐ cho các DN. Nhưng với tình hình căng thẳng hiện nay, Agtex có kế hoạch trực tiếp tới một số phòng LĐ các tỉnh, huyện để tìm LĐ".
Còn theo ông Bùi Trọng Nguyên – Tổng thư ký Agtek, trong lúc chưa thể tuyển đủ LĐ, các DN thành viên Agtek phải "chữa cháy" bằng cách san sẻ đơn hàng, "nhờ" nhau sản xuất, gia công sản phẩm để đảm bảo hợp đồng…
Bình luận (0)