Ngày 29-1, Bộ Công thương tổ chức họp về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với sản phẩm xuất khẩu tại Việt Nam. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương cho biết, năm 2014, hàng dệt may và giày dép Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất với hơn 20 tỷ USD cho từng ngành.
Tuy nhiên, sự phát triển hai ngành này nói riêng và các ngành khác nói chung của Việt Nam chưa thực sự bền vững do có nguy cơ bị cạnh tranh và mất ưu thế xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
Lý giải nguyên nhân trên, bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng phòng xuất xứ hàng hóa Cục Xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết, Hiệp định TPP sẽ cho phép doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan còn 0% – 5% nếu chứng minh hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại bên xuất khẩu và nguyên vật liệu của bên đó hoặc một phần từ các nước trong khu vực ASEAN. Nếu xét yếu tố này thì ngành dệt may và giày dép sẽ gặp khó vì hầu hết nguyên liệu sản xuất của hai ngành này đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Dệt may và Da giày TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư xây dựng khu sản xuất nguyên phụ liệu, từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, tạo thế chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Bộ Công thương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng may mặc và giày dép, bộ đang đề xuất với các nước tham gia Hiệp định TPP cho phép Việt Nam xây dựng lộ trình để từng bước nội địa hóa nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, dù có được chấp thuận về lộ trình thì thời gian cho phép cũng không quá dài. Do vậy, nếu ngay từ bây giờ các doanh nghiệp không chủ động xây dựng các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước sẽ gặp khó khi sản phẩm của các nước tham gia Hiệp định TPP được hưởng chính sách ưu đãi thuế quan.
MINH XUÂN
(SGGP)
Bình luận (0)