Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngành địa chất thi khối gì, trường nào tuyển?

Tạp Chí Giáo Dục

ĐH Ngân hàng TP.HCM có tuyển sinh khối D ngành tài chính – ngân hàng? Điểm chuẩn hằng năm của các trường tuyển sinh ngành địa chất? Nguyện vọng 2 phụ thuộc hoàn toàn vào may mắn khi xét tuyển?… là những thắc mắc thí sinh hỏi về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009.

Thí sinh làm bài thi môn hóa khối A sáng 5-7 tại điểm thi của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 – Ảnh: Quốc Dũng

* Ngành tài chính – ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có khối D1 không? Em nghe nói sau khi tốt nghiệp có người quen làm trong ngân hàng mới dễ xin việc? Cho em biết điểm chuẩn của trường các năm trước? (Quang Huy, whiteplace1906@…)
– Ngành tài chính – ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thi khối A, trường chỉ đào tạo duy nhất khối D1 ngành tiếng Anh thương mại. Ngành tiếng Anh thương mại học chuyên về tiếng Anh và cả một số nội dung liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng. Ngành này được mở trong năm học 2005-2006.
Ngoài các môn cơ bản được dạy bằng tiếng Việt, chương trình đào tạo trình độ ĐH chuyên ngành tiếng Anh tài chính – ngân hàng nhằm cung cấp cho người học những kiến thức tương đối sâu và rộng về ngôn ngữ Anh, rèn luyện và phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh ở mức độ thành thạo, và có khả năng ứng dụng vào các hoạt động cụ thể của ngành tài chính – ngân hàng.
Cùng với các kỹ năng về thực hành và lý thuyết tiếng Anh, chương trình còn cung cấp những kiến thức cơ bản về văn hóa xã hội nhằm giúp cho người học hiểu biết các yếu tố văn hóa xã hội trong giao tiếp. Ngoài ra, chương trình còn cung cấp những kiến thức từ cơ bản cho đến chuyên sâu của hoạt động tài chính – ngân hàng.
Để xin việc làm phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của chính bạn, kết quả học của bạn tốt, bạn có nhiều ý tưởng, năng động, có chí cầu tiến thì chắc chắn được nhận ngay.
Điểm chuẩn của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM ngành tài chính – ngân hàng: 21,5 (2008) – 22,5 (2007) – 20 (2006) – 20,5 (2005); quản trị kinh doanh: 20 (2008) – 18 (2007) – 19 (2006) – 20,5 (2005); hệ thống thông tin kinh tế (thuộc khoa công nghệ thông tin): 18 (2008 và 2007) – 19 (2006) – 20 (2005); tiếng Anh thương mại: 19 (2008) – 20 (2007 và 2005) – 20,5 (2006).
Năm 2007 đào tạo thêm ngành kế toán – kiểm toán: 18. Năm 2008 ngành này có điểm chuẩn là 21.
* Em nghe nói nếu không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 thì khi xét NV2 là hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn? Nghĩa là có giấy chứng nhận điểm thi lớn hơn điểm xét tuyển NV2 vẫn không chắc được chọn phải không? Như vậy phải dựa vào điều gì để có thể an tâm nộp đơn xét NV2? (doanhdoanhtt@…
– Nguyên tắc xét tuyển NV2: Những thí sinh dự thi ĐH theo đề chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển NV1 nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) thì được tham gia xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH-CĐ có cùng khối thi, trong vùng tuyển cho phép.
Các trường xét tuyển NV2 sẽ căn cứ vào điểm sàn của Bộ GD-ĐT và chỉ tiêu còn thiếu của mình để quy định điểm xét tuyển NV2 vào trường mình. Như vậy, mức điểm đưa ra để nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh không phải là mức điểm trúng tuyển NV2. Mức điểm này chỉ là mức điểm cần để sàng lọc thí sinh, trong quá trình nhận hồ sơ, nếu có nhiều điểm cao hơn mức điểm nhận hồ sơ thì các trường sẽ lấy điểm cao hơn, miễn là đủ chỉ tiêu.
Điểm trúng tuyển NV2 phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của thí sinh, không phụ thuộc vào may mắn. Ví dụ, nếu điểm nhận hồ sơ của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM một ngành nào đó là 18 điểm, với 20 chỉ tiêu; nếu thí sinh có số điểm 20 nhiều hơn chỉ tiêu thì điểm trúng tuyển NV2 đương nhiên cao hơn mức điểm nhận hồ sơ.
* Em muốn học ngành địa chất thì phải thi trường ĐH nào, khối nào, có bao nhiêu phân ngành? Điểm chuẩn trường đó thường lấy bao nhiêu? Sức học phải như thế nào mới có cơ hội trúng tuyển? Sau khi tốt nghiệp ngành này thì em có thể làm việc ở đâu? Ngay từ bây giờ em phải tập trung vào môn nào? (nguyendacminhtan@…)
– Ngành địa chất hầu hết được tuyển sinh theo khối A. Do đó, ngay từ bây giờ bạn cần ôn thật tốt các môn toán, lý, hóa để có kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi. Điểm chuẩn thường phụ thuộc vào chất lượng thí sinh dự thi. Do đó, nhiều trường có điểm chuẩn rất cao, nhưng nhiều trường chỉ từ 15 điểm trở lên là trúng tuyển.
Các trường sau có đào tạo ngành địa chất và Tuổi Trẻ Online cung cấp cho bạn điểm chuẩn hằng năm để bạn tham khảo: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) khối A: 15, khối B: 20 (năm 2008); A: 15, B: 19 (năm 2007); A và B: 15 (năm 2006); A và B: 16 (năm 2005);
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM): khối A: 17 (năm 2008 và 2006), 18 (năm 2007 và 2005); ĐH Khoa học (ĐH Huế): khối A: 13 (2008), 15 (2007 và 2005), 14,5 (2006); ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): khối A: 18 (2008, 2007 và 2006), 20 (2005); ĐH Mỏ – địa chất: khối A: 15 (2008), 15,5 (2007), 17,5 (2006), 18,5 (2005)…
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành địa chất cung cấp cho sinh viên kiến thức về khoa học trái đất, đặc biệt là các vật liệu tạo thành lớp vỏ cứng và quyển mềm của trái đất, các phương pháp tìm kiếm các tài nguyên, khoáng sản từ dạng rắn đến dạng lỏng hoặc khí (kim cương, ruby, saphia, đá bán quý, đá xây dựng, đất sét, cát sạn, nước ngầm, dầu khí…); các tác động đến môi trường sau khi khai thác… Ngành này có bốn chuyên ngành:
+ Chuyên ngành địa chất thủy văn – địa chất công trình: cung cấp kiến thức về các tính chất cơ lý của đất, đá để phục vụ cho việc khảo sát và thiết kế các loại công trình dân dụng, công nghiệp cũng như giao thông vận tải. Chuyên ngành này còn giúp nghiên cứu các tài nguyên nước dưới đất, cung cấp các phương pháp tìm kiếm và các phương pháp khai thác cũng như bảo vệ môi trường nước. Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty khảo sát thiết kế phục vụ cho xây dựng các loại công trình, các công ty khai thác nước ngầm, các trường, viện…
+ Chuyên ngành địa chất dầu khí: cung cấp kiến thức về môi trường tạo lập, sinh, chứa, chắn dầu khí, các phương pháp địa vật lý, giải đoán các tài liệu địa chấn, các phương pháp thăm dò dầu khí… Sinh viên có thể công tác tại các công ty thăm dò khai thác dầu khí trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu về dầu khí…
+ Chuyên ngành địa chất môi trường: cung cấp các kiến thức cơ bản về địa chất và môi trường, các loại tài nguyên môi trường, đánh giá tác động môi trường, luật môi trường và luật khoáng sản. Sinh viên ra trường có thể đến công tác tại các ban quản lý dự án, các sở khoa học – công nghệ – môi trường ở thành phố hoặc các tỉnh.
+ Chuyên ngành điều tra khoáng sản: cung cấp các kiến thức về các loại hình khoáng sản, các phương pháp tìm kiếm và dự báo các khoáng sản rắn (kim loại hoặc phi kim), từ dạng thể bở rời như cát, sạn, sỏi, đất sét… cho đến dạng thể cứng chắc như đá vôi, đá sét…; từ loại khoáng sản tầm thường cho đến khoáng sản bán quí và khoáng sản quí (vàng, bạc, kim cương, ruby, saphia…). Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty khai thác khoáng sản, các ban quản lý dự án, các cơ sở có bộ phận liên quan đến địa chất, các sở khoa học – công nghệ – môi trường, các liên đoàn địa chất, các viện nghiên cứu, các trường ĐH-CĐ-TCCN.
QUỐC DŨNG (TTO)

Bình luận (0)