Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngành du lịch: Thiếu nhân lực được đào tạo bài bản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Du lịch được cho là có nhu cầu nhân lực cao gấp 2-3 lần các ngành trọng điểm khác (giáo dục, y tế, tài chính), nhưng hiện nay, cả số lượng lẫn chất lượng đều chưa đáp ứng được.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN” do Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam phối hợp Sở Du lịch TP.HCM tổ chức ở Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ngày 9-12, một lần nữa, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành này được bức thiết đề cập.

Chỉ 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ

Đến 2020, toàn ngành du lịch cần 870.000 lao động trực tiếp. ThS. Huỳnh Ánh Nga (Trường ĐH Văn Hiến) dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, mỗi năm toàn ngành cần thêm 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000. Đáng nói, trong đó chỉ có hơn 12% đạt trình độ ĐH-CĐ.

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng còn nhiều hạn chế. GS.TS Đào Mạnh Hùng (Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam) khái quát, hiện cả nước có khoảng 425.000 lao động trực tiếp và hơn 750.000 lao động gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Phần lớn đội ngũ này ở độ tuổi dưới 30, phân bố 40% ở phía Bắc, 50% ở phía Nam và 10% miền Trung. Nhân lực phục vụ chiếm tỷ lệ lớn trong lao động trực tiếp nhưng trình độ đào tạo thấp, hạn chế hiểu biết về văn hóa, xã hội, văn minh giao tiếp… Chưa đầy 10% lao động trực tiếp của ngành du lịch đạt trình độ ĐH và trên ĐH; trình độ sơ cấp, TC, CĐ chiếm 51% và gần 40% trình độ dưới sơ cấp. Đặc biệt, chỉ 43% trong đó được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch.

Theo ông Hùng, bên cạnh các yếu tố như tài nguyên, đầu tư, cơ chế chính sách… thì yếu tố nhân lực giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đổi mới ngành để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới hội nhập.

Trên thực tế, sản phẩm đào tạo từ các trường đến nay vẫn thường xuyên bị doanh nghiệp phàn nàn về chất lượng. Ngay cả tuyển đúng sinh viên ngành du lịch, các doanh nghiệp vẫn mất thời gian, công sức đào tạo bổ sung. Ông Nguyễn Khoa Luân (Công ty Ảnh Việt Touris) dẫn chứng, hằng năm công ty đón khoảng 40 sinh viên Việt Nam và 10 sinh viên quốc tế đến thực tập. Trong khi các sinh viên quốc tế thích ứng công việc nhanh chóng thì sinh viên nước ta lại lúng túng ngay ở những khâu cơ bản. Thậm chí có em viết email cũng lủng củng, không rõ ràng. Từ đây, ông Luân nhấn mạnh, một khi nhà trường nhìn thấy nhân sự là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp thì sẽ chú trọng khâu đào tạo nhân lực.

Học những cái… lỗi thời

Cả nước hiện có 346 cơ sở đào tạo du lịch từ sơ cấp đến sau ĐH (gồm 115 cơ sở đào tạo trình độ ĐH-CĐ; 144 cơ sở đào tạo trình độ TC và 87 cơ sở đào tạo nghề) nhưng theo đánh giá của GS.TS Đào Mạnh Hùng, việc đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa bám sát nhu cầu xã hội, thiếu tính thống nhất, chưa khuyến khích được tính sáng tạo của sinh viên. Thực trạng này xuất phát từ việc thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị và lực lượng giảng viên có trình độ tay nghề cao; thiếu đầu tư giám sát dẫn đến cái cần thì không được học mà học những cái chưa cập nhật, lỗi thời.

GS.TS Đào Mạnh Hùng (Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam) cho rằng, các đơn vị đào tạo cần quan tâm đến vấn đề việc làm tương lai cho người học, định hướng và thiết kế chương trình đào tạo theo sát yêu cầu của thị trường lao động, không chỉ dạy những gì mình có. Doanh nghiệp cũng cần chung tay với nhà trường, tạo cơ hội tiếp cận thực tế cho người học.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL) chỉ ra thêm, phân bố mạng lưới các cơ sở đào tạo về du lịch chưa hợp lý, đã có hiện tượng phát triển nóng của hệ thống các cơ sở đào tạo trong khi chưa hội đủ những điều kiện cần thiết cho học tập và giảng dạy chuyên ngành du lịch một cách chuẩn mực. Quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; hệ thống chương trình, giáo trình đã phát triển nhưng chưa thực sự phù hợp; chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao. Đặc biệt, khâu gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa chặt chẽ…

“Lực lượng giảng viên du lịch đến từ nhiều nguồn khác nhau và không đúng chuyên ngành. Theo điều tra trước đây tại 3 trường ĐH, 2 trường CĐ và 2 trường TC thì trên 60% giảng viên giảng dạy du lịch “xuất thân” từ lĩnh vực kinh tế, khoa học xã hội nhân văn từng hoạt động trong ngành du lịch”, TS. Nguyễn Quyết Thắng (Trưởng khoa Quản trị du lịch – Nhà hàng – Khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết.

Bàn về giải pháp, ThS. Nguyễn Thị An (Khoa Du lịch Trường ĐH Khánh Hòa) cho rằng, khi các hiệp định quốc tế có hiệu lực thì những lao động thiếu năng lực của Việt Nam có nguy cơ bị mất việc. Đáng nói, đến giờ này các trường đào tạo nhân lực du lịch của Việt Nam vẫn loay hoay không biết nên đào tạo theo hướng nào khi hiện có tới 3 tiêu chuẩn trình độ nghề (tiêu chuẩn theo chương trình của dự án EU, tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL, tiêu chuẩn nghề tham khảo các nước ASEAN của Tổng cục Dạy nghề). Trong khi đó, các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã xây dựng một hệ thống bậc đào tạo tương đồng. Theo đó, người tốt nghiệp trình độ nào ở nước này hoàn toàn tương đương với trình độ tham chiếu nước khác. Trong khi bậc học và đào tạo nghề của Việt Nam khác xa khu vực và thế giới.

“Trước yêu cầu hội nhập, các trường ở Việt Nam nếu không có tiêu chuẩn kỹ năng chung, đồng bộ với các nước thì sinh viên ra trường sẽ khó cạnh tranh với nhân lực các nước”, bà An nói.

Thục Trân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)