Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Ngành du lịch “tung” kích cầu lần 2, kỳ vọng phục hồi ngoạn mục

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình kích cầu lần 2 lấy chủ đề là "Du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn" với kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng lượng khách, đưa ngành Du lịch phục hồi sau 2 cú đánh bồi liên tiếp của dịch bệnh.
Kích cầu du lịch lần 2 vừa an toàn lại phải hấp dẫn
Tại tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa – Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" diễn ra vào chiều 24/9 tại Hà Nội, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đợt kích cầu du lịch lần 2 với sự vào cuộc nỗ lực của các bên, kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả “ngoạn mục” như lần kích cầu đợt 1 vào tháng 5 vừa qua.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, lần kích cầu đợt 2 sẽ vừa an toàn lại phải hấp dẫn.
“Chỉ trong vòng 3 tháng từ tháng 5 đến tháng 7 trong chiến dịch kích cầu đợt 1, ngành du lịch nội địa đã phục hồi, đạt những thành tựu đáng kể và nhận được sự hưởng ứng của du khách.
Tuy nhiên, đến tháng 7 dịch bệnh lại bùng phát trở lại, ngành du lịch lại vấp phải khó khăn, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, các bên đều trăn trở, suy nghĩ để tìm ra giải pháp đưa ngành du lịch phục hồi lại”, ông Siêu nói.
Theo ông Siêu, đợt kích cầu lần hai này có thuận lợi là chúng ta đã có kinh nghiệm từ thành công và chưa thành công từ đợt trước. Chương trình lần này sẽ đưa tiêu chí “đảm bảo an toàn” lên trên hết. Các đơn vị đảm bảo du lịch an toàn, khách du lịch có ý thức rõ nét an toàn.
Giai đoạn kích cầu này cần tập trung vào chất lượng, tăng trải nghiệm từ đó tăng nhu cầu chi tiêu cho du khách.
Ngoài ra là yếu tố hấp dẫn, giai đoạn kích cầu này cần tập trung vào chất lượng, tăng trải nghiệm từ đó tăng nhu cầu chi tiêu cho du khách. Trong đó, các sản phẩm phải có tính hấp dẫn du khách, là sản phẩm mới, chất lượng.
Ngoài ra, trong lần kích cầu lần 2 này cũng cần phải có chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt để khách du lịch có thêm nhiều lựa chọn, tạo sự an tâm, tự tin cho du khách.
Vừa kích cầu thu hút khách, vừa phải sống chung với dịch bệnh
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch cho biết, khi dịch xuất hiện không ai lường trước được diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn như hiện tại.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, đợt kích cầu lần này, doanh nghiệp đang kiệt sức nên sẽ có nhiều khó khăn hơn.
Những người làm trong ngành cũng dự đoán dịch chỉ diễn ra vài tháng song càng ngày càng thấy hậu quả kinh khủng của dịch bệnh, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch.
Có thể nói đây là sự kiện gây ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du lịch từ trước đến nay.
Đợt kích cầu lần 1 thành công nhưng ở đợt 2 nếu cứ dùng các công cụ bình thường sẽ không giải quyết được khó khăn. Nếu tháng 11, 12 lại bùng dịch thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng bao nhiêu.
Vì thế, theo ông Bình, chúng ta phải vừa kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch.
Chính phủ cũng yêu cầu phải phát triển kinh tế song song phòng chống dịch. Nhiều địa phương đề cao việc chống dịch hơn phát triển kinh tế song ông Bình cho rằng nếu cứ thế có khi sẽ "chết trước" khi dịch đẩy lùi.
“Tháng 5, 6 khi dịch đợt một giảm, Tổng cục Du lịch đã phát động kích cầu, các bên đưa ra nhiều giải pháp nhưng lần này đã không còn phù hợp.
Đợt kích cầu lần này, giá không thể thấp hơn, doanh nghiệp đang kiệt sức nên sẽ có nhiều khó khăn hơn. Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ.
Du khách phải được phục vụ tốt, đưa ra sản phẩm mới nhất hoặc được làm lại mới nhất, đưa khách đến những chỗ mới, chưa đến… Những doanh nghiệp lớn hãy cố gắng giới thiệu đến khách hàng sản phẩm mới lạ.
Đợt kích cầu lần hai này, chúng ta không thể kỳ vọng khách đông ào ạt trở lại nhưng vẫn cần nỗ lực làm”, ông Bình nhấn mạnh.
Để đối phó với dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng cần phải tư duy theo cách mới, linh động, chuyển đổi mình
Theo ông Bình, để hỗ trợ các doanh nghiệp "vượt khó" trong đại dịch, ngành du lịch có thể đề xuất chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền… Hiện nay, 10 – 15% doanh nghiệp giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp có động lực tiếp tục hoạt động. 
Về doanh nghiệp, khó khăn đang chồng chất nhưng theo Bình cũng nên nghĩ cách khác để đối phó với dịch bệnh. 
“Tổ chức du lịch thế giới đưa khẩu hiệu: Covid-19 chuyển đổi du lịch. Hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới. Có thể tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển.
Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại”, ông Bình nhấn mạnh.
Hà Trang (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)