Giờ tin học ở Trường THPT Châu Thành – TX Bà Rịa |
9 năm trước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) đã mạnh dạn đón đầu đưa Tin học vào trường học bằng cách cử hàng trăm cán bộ quản lý (CBQL) GD và giáo viên (GV) đi học nâng cao trình độ Tin học. Gần 6 năm nay (từ năm học 2003-2004), ngành GD&ĐT BRVT đã vượt lên trong số ít tỉnh – thành cả nước ứng dụng có hiệu quả Tin học vào công tác quản lý GD và dạy – học Tin học rộng khắp các trường trong tỉnh. Phóng viên báo GD&TĐ đã phỏng vấn thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh BRVT.
Có nhiều phần mềm tiện ích đã và đang được sử dụng trong ngành GD&ĐT. Ngành GD&ĐT BRVT lựa chọn cho mình những phần mềm nào ? Kết quả áp dụng ra sao?
Trong quản lý, ngành đã và đang sử dụng phổ biến một số phần mềm quản lý các lĩnh vực như: xếp thời khoá biểu, quản lý học sinh, quản lý trường học EMIS, quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm quản lý nhân sự PMIS, phần mềm kế toán MISA. Hiện nay Sở đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nhân sự, thiết bị để tiếp nhận và triển khai phần mềm VEMIS vào đầu năm 2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo-Dự án SREM cung cấp.
Trong dạy học hiện nay, chúng tôi đang phổ biến các chương trình: dạy và học với máy vi tính (TLC – Teaching and Learning with Computer); các chương trình hợp tác của Bộ GD&ĐT với các công ty như Intel, Microsoft, CabriLog. Bao gồm: chương trình Dạy học cho tương lai của Intel (ITTF – Intel Teach to The Future), chương trình Đối tác trong học tập của Microsoft (PIL – Partners In Learning), phần mềm hỗ trợ dạy và học Toán – Cabri, Geometers Sketchpad; Flash, Crocodile Physics, Crocodile Chemistry và một số phần mềm khác về Vật lý, Hoá học, Địa lý, Sinh học… Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong dạy học tại các trường học ở tỉnh BRVT hiện nay vẫn còn biểu hiện mỗi trường một dạng, mỗi GV một vẻ, thiếu tính đồng bộ, theo kiểu “trăm hoa đua nở”.
Những ưu điểm chủ yếu là:
+ Đã phát huy được thế mạnh của CNTT, giờ dạy sinh động, hấp dẫn hơn, chất lượng giờ dạy được nâng cao, hiệu quả rõ rệt. Trong các tiết dạy có ứng dụng CNTT, PPDH được đổi mới, bài giảng của GV thể hiện khá sinh động. Các hình ảnh, sơ đồ, mô hình, đặc biệt các hình ảnh động mô phỏng giúp HS hứng thú, dễ hiểu, dễ nhớ, nhớ nhanh, nhớ lâu. HS đã bị cuốn hút vào các bài giảng của GV.
+ Khá nhiều GV đã nghiên cứu và ứng dụng một số phần mềm phù hợp với đặc trưng bộ môn; nhiều GV biết khai thác các phần mềm dạy học hiện có từ Internet cũng như các phần mềm ở các đĩa CD bán ngoài thị trường khá hiệu quả cho đổi mới PPDH.
+ Một số ít GV đã tự viết được các phần mềm phục vụ cho dạy học rất có hiệu quả, đặc biệt là các bộ môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học. Có 2 GV được phong danh hiệu “Hiệp sĩ CNTT” năm 2005 và 2006.
Vướng mắc lớn nhất ở các trường cả nước hiện nay khi áp dụng các phương tiện dạy học hiện đại là: trình độ tin học của không ít cán bộ QLGD và GV không theo kịp đòi hỏi. Theo ông, làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc này ?
Từ năm học 2000-2001 đến nay ngành GD&ĐT BRVT đã dùng kinh phí của tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo và bồi dưỡng tin học cho cán bộ QL, GV và cán bộ phụ trách phòng máy tính. Trong công tác hướng nghiệp, các trường THPT đã hướng nghiệp cho các em học sinh học khá và giỏi, đặc biệt học tập tốt ở môn Tin và Toán thi vào trường ĐHSP; CĐSP ngành Tin. Nhờ vậy đến nay đội ngũ giáo viên tin học trong toàn ngành đã đáp ứng đủ để giảng dạy ở các trường Tiểu học, THCS, THPT, TT GDTX… trong tỉnh. Đội ngũ này lại là lực lượng nòng cốt, trong công tác “phổ cập tin học” và nâng cao trình độ tin học cho giáo viên các bộ môn khác, để họ ứng dụng CNTT trong giảng dạy các bộ môn văn hoá khác cũng như trong quản lý.
Kết hợp với công ty Schoolnet, Sở GD&ĐT đã tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng các phần mềm Toán, Vật lý, Hóa học cho GV. Kết hợp với Trường CĐSP Hà Nội tổ chức 2 lớp TLC (Teaching and Learning With Computer) bồi dưỡng cho tất cả GV Toán và Lý. Kết hợp với công ty Intel và Bộ GD&ĐT tổ chức lớp ITTF (Intel Teach to The Future) cho tất cả các tổ trưởng chuyên môn trong tỉnh và tất cả GV của 6 trường trung học. Kết hợp với công ty Microsoft và Bộ GD&ĐT tổ chức lớp đối tác trong học tập (PIL – Partners In Learning) bồi dưỡng cho cán bộ QL và GV Toán, Lý các trường THPT. Kết hợp với công ty CabriLog (Pháp) bồi dưỡng chương trình Cabri 2D và 3D cho đội ngũ GV Toán của các trường THCS, THPT trong tỉnh.
Sở GD&ĐT tỉnh BRVT đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho tất cả CBGVNV ứng dụng CNTT hỗ trợ dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học; tổ chức tập huấn sử dụng một số phần mềm hỗ trợ giảng dạy (phần mềm Geometers Sketchpad hỗ trợ giảng dạy toán hình học, Flash, Crocodile Physics, Crocodile Chemistry và một số phần mềm khác về Vật lý, Hoá học, Địa lý, Sinh học…). Kết quả đạt được rất tốt và bổ ích đối với GV, giúp họ thực hiện đổi mới PPDH.
Sau 5 năm tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào QLGD và dạy học ở các trường, ngành GD&ĐT tỉnh BRVT đã gặt hái được những thành quả cụ thể nào ?
Nhìn lại sau 5 năm, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối kết hợp rất hiệu quả của các Sở – Ngành, các địa phương… những kết quả đạt được trong việc đưa CNTT vào ứng dụng trong quản lý, trong dạy và học ở tỉnh BRVT là khá to lớn.
Trước hết phải kể đến, đó là: Việc đầu tư CSVC trang thiết bị về CNTT và phần mềm ứng dụng
– Ngành GD&ĐT tỉnh đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ cơ quan Sở (Lan) và mạng diện rộng (Wan) của ngành với 6 máy chủ: mail server; web server và proxy server, Infomix server, Firewall proxy server, VTL server.
– Mạng diện rộng kết nối Sở với các đơn vị trực thuộc qua đường truyền Internet vào máy chủ trong mạng LAN của cơ quan Sở.
– 100% các trường THPT, hầu hết các trường THCS, TH, MN được kết nối Internet để tạo điều kiện cho CB, GV và học sinh nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn bằng cách truy cập qua Internet tốc độ cao. Hầu hết các phòng Giáo dục huyện, thị xã, thành phố đều được nối mạng nội bộ cũng như mạng Internet để trao đổi thông tin, nguồn dữ liệu từ cấp Phòng đến các trường thuộc phòng.
Tất cả các trường học trong toàn tỉnh đã được trang bị đầy đủ máy vi tính phục vụ công tác hành chính và quản lý nhà trường, riêng công tác dạy học môn Tin học thì số lượng máy vi tính chỉ đáp ứng được 50 – 70 % nhu cầu. Ở nhà trường máy tính kết nối Internet được sử dụng trong thư viện trường học, phòng làm việc của giáo viên. Đến nay một số trường có trang Web riêng làm phương tiện liên hệ giữa nhà trường, gia đình, học sinh và xã hội.- Sở đã tham mưu với UBND tỉnh đầu tư cho ngành giáo dục mua sắm các trang thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ cho công tác quản lý, chuyên môn, giảng dạy như: máy tính xách tay (Laptop), máy chiếu (Projector), máy quét ảnh (scaner), máy ảnh kỹ thuật số… Hiện nay 100% các trường THPT, trên 80% các trường THCS, trên 30% các trường Tiểu học đã được cấp các thiết bị này.
– Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, tháng 10/2008 ngành GDĐT đã tiếp nhận hệ thống đường truyền băng thông rộng do Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel lắp đặt, bước đầu đưa vào sử dụng đã có hiệu quả.
Thứ hai, kết quả việc ứng dụng CNTT trong quản lý, trong dạy và học.
Các cấp QLGD từ Sở đến trường, đặc biệt hiệu trưởng các trường đã tập trung triển khai các chuyên đề ứng dụng CNTT trong đổi mới PPDH. Tổ chức học tập, thao giảng rút kinh nghiệm; sơ kết, tổng kết về đổi mới PPDH theo hướng tăng cường ứng dụng CNTT; bồi dưỡng và rèn luyện các kỹ năng sử dụng các TBDH về CNTT để thực hiện dạy học theo tinh thần đổi mới PPDH cho đội ngũ GV; xây dựng các chuẩn đánh giá chứa đựng một số tiêu chí để đổi mới PPDH theo hướng tăng cường ứng dụng CNTT của thầy và trò, nhờ vậy, việc thực hiện đổi mới PPDH đã có những chuyển biến tích cực.
– Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ được triển khai; việc dạy tin học và ứng dụng một số thành tựu của CNTT vào GD được triển khai sớm, có những mặt đi đầu, đón trước đã tạo ra một nền tảng mang tính tiền đề quan trọng cho những chuyển biến tiếp theo.
– Hầu hết các HT đều thực hiện tốt chức năng tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương và kế hoạch ứng dụng CNTT trong đổi mới PPDH và phát triển GD&ĐT trên địa bàn.
Thực tế cho thấy nếu lạm dụng quá mức các phương tiện dạy học hiện đại thì sẽ làm lu mờ hình ảnh – giọng nói của người thầy, thậm chí học sinh bị âm thanh, hình ảnh lạ mắt, sống động làm cho “mê hoặc”, quên luôn nội dung chính của tiết học.Ông có suy nghĩ gì ?
Đúng vậy, với học sinh: Khi gặp phải những vấn đề hóc búa cần giải quyết, HS thường bật máy tính lên, truy cập vào mạng Internet và các em có ngay hầu như những điều các em cần. Điều này là một mặt rất tích cực, nhưng cũng lại là rất tiêu cực. Có những bài tập GV yêu cầu HS phải tự nghiên cứu, tìm tòi bằng óc sáng tạo của bản thân, thì các em lại vào internet và tải ngay về thành quả lao động của người khác, vì vậy kiến thức nhận được của các em khó có thể là sâu sắc. Thầy cô giáo và các bậc cha mẹ học sinh đang lo ngại Internet sẽ là công cụ dẫn đến thói ỷ lại ở những HS lười học.
Đối với quá trình dạy học: nếu lạm dụng CNTT hoặc không sử dụng đúng mục đích, CNTT sẽ làm thụ động hóa, đơn điệu hóa các hoạt động dạy và học. Chẳng hạn như nếu thay thế đơn thuần việc viết bảng truyền thống bằng PowerPoint hoặc các bản giấy phim trong, sẽ làm mất thói quen nghe – nhìn – ghi chép của HS, biến họ thành “khán giả thụ động” trong dạy học, chuyển dạy học trực quan nghe – nhìn – ghi chép sang trực quan nhìn và chép./.
Xin cảm ơn ông.
Đinh Duy Minh (GD&TĐ)
Bình luận (0)