Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành GD-ĐT huyện Cần Giờ, TP.HCM: Nhiều chuyển biến rõ nét

Tạp Chí Giáo Dục

Cần Giờ là một huyện nghèo nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km. Được sự quan tâm của UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan, Cần Giờ đã từng bước thay da đổi thịt. Đáng chú ý là ngành giáo dục Cần Giờ đã có sự thay đổi lớn về quy mô trường lớp cũng như chất lượng giáo dục.
Từ những chính sách ưu đãi
Tuy vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng có thể nói từ nhiều năm nay, điều kiện kinh tế – xã hội trong huyện Cần Giờ có chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Nguồn ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị cho ngành giáo dục đã có chuyển biến rõ nét. Song song đó, các trục đường về các xã An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn từng bước hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2010 tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và học sinh đang sinh sống tại địa bàn các xã nói trên.
Công tác xã hội hóa giáo dục tuy có nhưng chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng đòi hỏi này trong quá trình phát triển nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, tuyến đường Rừng Sác và cầu Bình Khánh hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cơ bản để phát triển kinh tế – xã hội nhưng cũng là thách thức lớn về quy mô trường học, lớp học do tỉ lệ tăng dân số cơ học. Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, ngành GD-ĐT huyện đã tích cực tham mưu đổi mới cơ chế, thúc đẩy quy trình xây dựng trường lớp, góp phần quan trọng phục vụ yêu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tích cực tham mưu thường trực UBND huyện chủ trương cho phép thành lập các trường ngoài công lập ở những địa bàn cần thiết.
Quan tâm đến huyện nghèo Cần Giờ, UBND TP.HCM đã có công văn số 80/2009/QĐ-UBND về chính sách đặc thù cho ngành y tế, giáo dục trên địa bàn huyện. Theo đó, từ ngày 1-8-2009 đã áp dụng điều chỉnh tăng 25% mức phụ cấp đối với cán bộ, viên chức đang công tác tại trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Bác sĩ, cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế cộng đồng hưởng mức phụ cấp từ 800 ngàn lên 1 triệu đồng/ người/ tháng. Y sĩ, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên trung cấp với mức phụ cấp từ 400 ngàn đồng/ người/ tháng lên 500 ngàn đồng/ người/ tháng… Riêng đối với ngành giáo dục, trợ cấp phần chi phí đi lại cho giáo viên từ nơi khác đến công tác tại các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS tại xã Thạnh An với mức chung là 300 ngàn đồng/ người.
Quyết định 140/UB của UBND huyện Cần Giờ ban hành chính sách tạm thời đối với cán bộ, chính sách thu hút giáo viên. Đối với giáo viên các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ nhận nhiệm sở tại các trường trong huyện Cần Giờ theo quyết định của Sở GD-ĐT hoặc ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế sự nghiệp được thành phố giao thì được hưởng trợ cấp một lần. Theo đó, giáo viên ngoài huyện mới ra trường tình nguyện về công tác tại huyện trên 5 năm được hưởng 5 triệu đồng. Giáo viên ngoài huyện đã có quá trình công tác trên 5 năm (chất lượng dạy từ khá trở lên và không bị kỷ luật) đồng ý và cam kết công tác tại huyện từ 5 năm trở lên được hưởng trợ cấp 10 triệu đồng…
Đến những ngôi trường mới
Trong năm học 2010-2011, từ nguồn ngân sách của thành phố dự kiến số trường học được xây mới là 9 trường với tổng cộng 167 phòng học. Trong đó, MN: 1 trường; TH: 4 trường; THCS: 3 trường và một trường THPT (Trường THPT An Nghĩa, ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông). Trường THPT An Nghĩa có 36 phòng học, dự kiến đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho hai trường THPT Cần Thạnh và THPT Bình Khánh. Từ nguồn ngân sách của huyện, dự kiến xây 2 trường MN và 2 trường THCS trong năm nay. Giai đoạn 2011-2015 dự kiến sẽ có 12 trường học được xây mới từ nguồn ngân sách của thành phố. Cụ thể trong năm 2011 sẽ xây dựng 1 trường MN và 3 trường TH. Năm 2012, xây 1 trường MN và 1 trường THCS; năm 2013 xây dựng 1 trường MN và 1 trường TH, năm 2014 sẽ xây dựng 2 trường MN và năm 2015 xây dựng 1 trường MN và 1 trường THCS. Dự kiến huyện cũng sẽ xây dựng 10 trường MN từ nguồn ngân sách địa phương trong giai đoạn 2011 đến 2015. Trong năm 2009, huyện đã thống nhất chủ trương dự án xây dựng hai trường mầm non tư thục. Hiện dự án đang tiến hành xây dựng 1 trường tại thị trấn Cần Thạnh và sẽ tiếp tục xây dựng trường còn lại trong thời gian tới.
Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, ngành GD-ĐT huyện triển khai và thực hiện đúng theo chỉ đạo của thành phố về việc miễn giảm học phí, cơ sở vật chất cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo nghị quyết liên tịch giữa Sở GD-ĐT và Ban xóa đói giảm nghèo TP.HCM. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác khuyến học, kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân chăm lo cho học sinh nghèo vượt khó.
Huyện cũng đã thống nhất chủ trương với Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn về việc đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Nghề tại huyện trong thời gian tới. Trung tâm học tập cộng đồng đã được hình thành trong từng xã và thị trấn và đã triển khai chương trình, kế hoạch xây dựng xã hội học tập.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Quy hoạch mạng lưới trường lớp đến 2020 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng việc đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường học theo hướng đạt chuẩn còn chậm, nhất là trường MN. Kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn thiện mạng lưới trường lớp của Cần Giờ”. Trong đợt về thăm và làm việc với huyện Cần Giờ mới đây, bà Trần Ngọc Anh – Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM đánh giá: “Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương trong việc chăm lo cho con em. Với một huyện nghèo như Cần Giờ, cần phải có nhiều chính sách ưu tiên hơn nữa về cơ sở vật chất, trường lớp mới có thể nâng cao chất lượng dạy và học”.
Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)