Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ngành GD-ĐT Q.9: Những “quả ngọt” của cách làm sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm mới thành lập (1-4-1997), toàn Q.9 chỉ có 8 trường MN, 11 trường TH, 9 trường THCS và không có trường THPT. Cơ sở vật chất các trường hầu hết đã xuống cấp, hoặc thiếu thốn rất nhiều, được tận dụng để đưa vào phục vụ cho một khu vực mà 3/4 là dân cư vùng sâu còn nhiều khó khăn.

Tập thể cán bộ, chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.9

Bước đầu ngành giáo dục nỗ lực sửa chữa rồi tiến tới xây mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực hiện tốt nhất chức năng giáo dục của ngành ở tất cả các bậc học.

Trường lớp đáp ứng đủ nhu cầu học tập

Bình quân, hàng năm Q.9 dành hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách của quận và ngân sách của TP để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trường từ MN, TH, THCS đến THPT, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em nhân dân trong quận và các tỉnh/thành khác về đây sinh sống.

Đến nay trên địa bàn quận có 69 trường công lập của ba bậc học với gần 55.000 học sinh. Trong đó có 15 trường đạt các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, đang từng bước xây dựng trường tiên tiến, hội nhập khu vực. Toàn ngành có 16 trường được Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá ngoài, công nhận 12 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 1 và 4 trường đạt mức độ 2.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Trưởng phòng GD-ĐT Q.9) chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận, nhất trí của cán bộ-giáo viên-công nhân viên toàn ngành nên từ những thuận lợi về cơ sở vật chất trường lớp đã giúp ngành gặt hái được nhiều thành tích vượt bậc, nhiều năm liên tục ngành đạt danh hiệu Lao động xuất sắc; nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM. Đặc biệt, Q.9 là một trong số ít các quận/huyện trên địa bàn TP đạt tỷ lệ 100% học sinh được học 2 buổi/ngày ở ba bậc học. Trong thời gian tới, quận sẽ xây mới thêm các công trình cho ngành giáo dục, tăng cường mạng lưới trường lớp xanh-sạch-đẹp hơn, bảo đảm trường sạch sẽ, có cây xanh thoáng mát, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế hợp lứa tuổi học sinh… cùng với xã hội thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Các em học sinh tham gia Hội thi kể chuyện bằng tiếng Anh có tiểu phẩm minh họa

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của quận hơn nữa, nhiều năm qua, lãnh đạo ngành luôn dành sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ-giáo viên-công nhân viên, luôn tổ chức trau dồi kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ thầy cô giáo. Hàng năm, ngành đều tổ chức các chuyên đề khoa học, các cuộc hội thảo, giao lưu giữa các giáo viên nhằm đúc kết kinh nghiệm và tìm ra những phương pháp giảng dạy mới có khả năng đem lại sự lĩnh hội tối ưu cho học sinh. Cuộc thi “Viên phấn vàng” tổ chức hàng năm đã thu hút được sự hưởng ứng nhiệt tình của các giáo viên, tạo đà cho những cuộc thi cấp TP, cấp quốc gia: nhiều giáo viên của quận đã đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp TP, cấp toàn quốc, đạt giải Võ Trường Toản; nhiều cá nhân, tập thể được công nhận Chiến sĩ thi đua các cấp, được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng… Có thể nói danh sách ấy ngày càng nối dài theo chặng đường phát triển của Q.9.

Tiếng Anh tích hợp đến với “Căn cứ Bưng 6 xã”

Thầy Nguyễn Văn Quí (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.9) cho biết từ khi Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được Bộ GD-ĐT triển khai (năm 2010) đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo quận, được sự ủng hộ và đồng thuận cao của đa số phụ huynh học sinh trong việc thực hiện chương trình này. (Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp TC, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam). Tính đến thời điểm hiện nay, ngành giáo dục Q.9 đã đạt được những kết quả sau: 100% học sinh các trường được học tiếng Anh. Việc các em được học và giao tiếp với giáo viên bản ngữ cũng được các trường quan tâm, cụ thể: 15/19 trường TH, 7/12 trường THCS có thỉnh giảng giáo viên bản ngữ.

Các bé Trường MN Hoa Lan vui chơi ngoài sân

Thầy Quí nhấn mạnh: “Việc dạy và học tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có những thuận lợi như tiếp cận chương trình quốc tế, có chủ điểm rõ ràng, bám sát cuộc sống, phát huy cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Bên cạnh đó, học sinh còn tham gia tốt các hoạt động ngoại khóa, các hội thi kể chuyện bằng tiếng Anh, các cuộc thi tiếng Anh trên internet…, qua đó giúp các em có cơ hội được nâng cao trình độ tiếng Anh và tự tin hơn trong giao tiếp”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ thêm: “Q.9 là vùng ven, điều kiện kinh tế của người dân có khó khăn nhất định, tuy nhiên, là quận có Khu Công nghệ cao đóng trên địa bàn đòi hỏi nguồn nhân lực phải hội đủ điều kiện. Cho nên, nếu triển khai được chương trình tiếng Anh tích hợp sẽ tạo điều kiện cho các em có điều kiện phát triển ngoại ngữ cũng như tư duy, phẩm chất sau này. Chính vì vậy, ngành đã thực hiện và đưa chương trình này đến với những trường đủ điều kiện để phụ huynh và học sinh có nhu cầu được tiếp cận. Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên ngành triển khai chương trình tích hợp. Để chuẩn bị, Phòng GD-ĐT đã khảo sát và làm việc với cán bộ quản lý ở những trường đủ cơ sở vật chất và phụ huynh học sinh có nhu cầu tham gia, như: bậc TH có 3 trường là Lê Văn Việt, Bùi Văn Mới, Phước Bình và bậc THCS có 2 trường là Hoa Lư, Trần Quốc Toản. Đây là những trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đạt chuẩn quốc gia. Các trường đã trang bị khá đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy và học như bảng tương tác, sách, băng đĩa, cassette, tranh ảnh, máy tính, máy chiếu, loa, micro, đồ dùng dạy học. Về công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, qua các đợt đào tạo bồi dưỡng của Sở GD-ĐT, đa số giáo viên tiếng Anh tham gia học nâng chuẩn đầy đủ và từng bước phát triển các kỹ năng nhằm hỗ trợ tốt cho công tác giảng dạy của mình”.

Huy Hoàng

Bình luận (0)