Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT Q.Ninh Kiều tiếp tục giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ – TP trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Trung Nhân (Bí thư Quận ủy Q.Ninh Kiều) và bà Trần Hồng Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) trao Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu năm học 2018-2019 cho 3 tập thể: Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Võ Trường Toản và Trường Mầm non 2 Tháng 9
Dù luôn chịu áp lực về tăng dân số cơ học và có quy mô học sinh (HS) đông nhất TP, sĩ số HS/lớp vượt nhiều so với quy định (45 đến 50 HS/lớp), nhưng Q.Ninh Kiều luôn đảm bảo đủ trường, lớp cho HS trên địa bàn học. Năm học 2018-2019, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 100%. Kết thúc năm học, ngành GD-ĐT đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho HS đồng thời tiếp tục dẫn đầu các phong trào; trong đó có 99 giáo viên (GV) đạt giỏi cấp TP (tăng 19 GV so với năm học 2015-2016). Thi Robothon cấp tiểu học, có 12 HS đoạt giải cấp TP, 6 HS đoạt giải quốc tế. Kỳ thi chọn HS giỏi lý thuyết lớp 9 cấp TP: 120 HS dự thi ở 11 môn, kết quả 94 em đoạt giải (2 giải nhất, 16 giải nhì, 28 giải ba, 48 giải khuyến khích). Thi HS giỏi thực hành thí nghiệm lý, hóa, sinh cấp TP: Môn sinh đoạt 1 giải, môn hóa đoạt 6 giải, môn lý đoạt 4 giải… Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020, HS Q.Ninh Kiều đạt điểm sàn cao nhất TP với cách biệt khá xa so với nhiều địa phương. Hầu hết thí sinh trúng tuyển vào lớp chuyên các môn khoa học tự nhiên của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng là HS của Q.Ninh Kiều, trong đó đa số là HS Trường THCS Lương Thế Vinh và Trường THCS Đoàn Thị Điểm. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Q.Ninh Kiều có 8/10 thí sinh đạt tổng điểm cao nhất Hội đồng thi TP.Cần Thơ, và hàng chục HS đạt danh hiệu thủ khoa, á khoa các trường ĐH.
Bà Lâm Thanh Liễu (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ninh Kiều) lý giải: “Thành quả trên là do ngành được sự quan tâm nhiều mặt của Quận ủy và UBND quận, cùng những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo. Các cơ sở giáo dục tập trung vào những hoạt động giáo dục định hướng phát triển năng lực HS, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; thường xuyên phối hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường với mục tiêu tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn vào các tình huống thực tiễn, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho HS. Nhiều hoạt động giáo dục theo định hướng STEM, Robotics được đưa vào nhà trường”.
Ông Nguyễn Trung Nhân (Bí thư Quận ủy Q.Ninh Kiều) tặng hoa cho nữ cán bộ quản lý tiêu biểu nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10
Ngoài các lớp tiếng Pháp, hầu hết trường học tổ chức dạy tiếng Anh từ lớp 1. Tổng số HS tiểu học học ngoại ngữ là 1.7217/19.562, tỷ lệ 88%. Các trường tiểu học: Ngô Quyền, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Võ Trường Toản, An Bình 1 đã thỏa thuận với phụ huynh mời GV bản địa tham gia giảng dạy, giúp HS phát triển kỹ năng đàm thoại. Một số trường THCS triển khai dạy toán bằng tiếng Anh, trong đó nổi bật là Trường THCS Lương Thế Vinh và Trường THCS Đoàn Thị Điểm (mỗi trường có 6 lớp). Đây cũng là 2 trường có nhiều HS đoạt giải trong kỳ thi Giải toán bằng tiếng Anh do Sở GD-ĐT tổ chức hàng năm. Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, thầy Nguyễn Thanh An phụ trách dạy toán bằng tiếng Anh 7 năm nay và có nhiều HS đoạt giải cấp TP. Năm học 2018-2019, 5/6 HS do thầy bồi dưỡng đã đoạt giải. Không ít HS các lớp học toán bằng tiếng Anh, sau khi tốt nghiệp THPT, xin được học bổng du học ở các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Thầy An chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng HS như sau: “Trước hết các em phải yêu thích môn toán và tiếng Anh. Tôi tham khảo các đề thi toán, dịch ra tiếng Anh, chia thành các chủ đề rồi ôn luyện cho HS. Các em càng biết nhiều từ tiếng Anh và giải nhiều bài tập nâng cao càng có lợi thế trong nhận dạng và giải bài”.
Toàn ngành có 3.300 công chức, viên chức, trong đó 100% GV đạt chuẩn. GV trên chuẩn: bậc mầm non đạt 53,7%; tiểu học: 97,3%; THCS: 84,7%. Hàng năm, ngân sách quận dành một phần lớn cho GD-ĐT. Chỉ tính năm học 2018-2019, tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa trường lớp là 103 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách quận chi đầu tư xây dựng là 97,5 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp tu sửa trường xuống cấp là 5,5 tỷ đồng. Nổi bật là công trình Trường Mầm non Cồn Khương (phường Cái Khế) với 20 phòng học, tổng kinh phí 37,5 tỷ đồng; trong đó vốn tài trợ xã hội hóa là 25 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12-2019.
Trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các trường, Phòng GD-ĐT quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và bố trí đội ngũ cán bộ, GV giỏi, có nhiều kinh nghiệm cho các trường vùng ngoại ô. Ngoài những “tên tuổi” lừng danh của ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ như các trường THCS: Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, An Hòa 2; các trường tiểu học: Ngô Quyền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Toản, Võ Trường Toản, đến nay có thêm “những ngôi sao” thuộc vùng ngoại ô như Trường Tiểu học Nguyễn Du (phường Hưng Lợi), Trường Tiểu học Kim Đồng (phường An Khánh), Trường THCS An Khánh… Nhiều trường đi đầu trong xây dựng mô hình “Trường học an toàn, hạnh phúc”, tạo môi trường để HS thật sự cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”… Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Du có 25 lớp với 1.044 HS; các thầy cô giáo rất thân thiện và tận tụy với HS, có biện pháp khoa học để uốn nắn những HS cá biệt, quan tâm đặc biệt đến số HS tiếp thu kém. Ngoài thực hiện môi trường xanh – sạch – đẹp, trường còn đi đầu trong cuộc vận động “Nói không với rác thải nhựa”. Đến nay hầu như không còn HS sử dụng các vật dụng bằng nhựa mà thay bằng các chất liệu thân thiện môi trường. Nổi bật là hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy. Tôi có dịp dự giờ tiết dạy môn khoa học, chủ đề “Nói không với các chất gây nghiện” tại lớp 5A1. Cô giáo Lê Thị Trúc Hà tổ chức lớp thành 6 nhóm, mỗi nhóm diễn 1 tiểu phẩm do các em sáng tác. Tôi bất ngờ trước kiến thức về phòng chống ma túy và sự sáng tạo mà HS thể hiện trong tiểu phẩm: Các em vấn giấy thành điếu thuốc, xé giấy vụn làm bột trắng ma túy, và nhập vai khá sinh động các nhân vật, kể cả nhân vật bạn trẻ không may dính vào ma túy. Các tiểu phẩm toát lên thông điệp kêu gọi HS tránh xa ma túy… Thầy Hiệu trưởng Lê Kinh Đô cho biết: “Trường tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo và đưa vào thời khóa biểu, trong tiết đó thầy cô tạo điều kiện cho HS tiếp thu kiến thức qua hoạt động trải nghiệm. Ban Giám hiệu yêu cầu GV không được cho HS làm bài văn theo mẫu mà phải hướng dẫn các em thể hiện sự quan sát cũng như cảm xúc thật của mình trong bài văn. Được Sở GD-ĐT chọn xây dựng mô hình “Trường điển hình đổi mới giảng dạy Anh văn”, bên cạnh việc tổ chức những mô hình giảng dạy tiếng Anh tiên tiến, trường thành lập các club Anh văn, tổ chức thi đố vui bằng tiếng Anh trong buổi sinh hoạt dưới cờ 1 lần/tháng. Những HS trả lời đúng câu hỏi được khen thưởng… Những hoạt động này góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại trường”…
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du đập heo đất lấy tiền hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn
Năm học 2019-2020, Q.Ninh Kiều có 49.903 HS từ mầm non đến THCS, tăng 37 nhóm, lớp với 895 HS so với năm học trước. Quận có 79 trường từ mầm non đến THCS, tăng 3 trường so với năm học vừa qua. Bà Lâm Thanh Liễu chia sẻ: “Năm học này quận nhân rộng mô hình “Trường điển hình đổi mới” ở tất cả các trường tiểu học sau học tập kinh nghiệm của Trường Tiểu học Ngô Quyền, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học tới”.
Về mục tiêu này, ông Trần Tiến Dũng (quyền Chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều) cho biết: “Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2018, UBND quận ban hành kế hoạch chỉ đạo Phòng GD-ĐT tổng rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tham mưu cho UBND quận xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm, để thực hiện “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025”, trong đó xác định nhiệm vụ, giải pháp huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp; trang thiết bị; đội ngũ; sách giáo khoa… Quận cố gắng đáp ứng các điều kiện để năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai cho HS lớp 1 sẽ đạt hiệu quả cao”.
Đan Phượng
Bình luận (0)