Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, TS. Nguyễn Vinh Hiển và Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, TS. Huỳnh Công Minh đang trao đổi với Ban giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3. Ảnh: V.M
|
Trong không khí nô nức chào đón năm mới 2011 – xuân Tân Mão, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, TS. Nguyễn Vinh Hiển về những thành tựu ngành GD-ĐT TP.HCM đã đạt được. Đồng thời ghi nhận những ý kiến chỉ đạo của ông liên quan đến sự phát triển của GD-ĐT TP trong thời gian tới.
PV: Thưa Thứ trưởng, trong những năm qua TP.HCM là địa phương luôn đi đầu trong công tác GD-ĐT của cả nước, vậy ông đánh giá như thế nào về sự nghiệp GD-ĐT của TP.HCM?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong những năm qua, khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng ngành GD-ĐT TP.HCM đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đảm bảo được chỗ học đạt chất lượng cho con em nhân dân thành phố. Chất lượng đào tạo được giữ vững và từng bước được nâng cao không những ở tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp mà GD-ĐT thành phố đã rất quan tâm đến việc tổ chức giáo dục toàn diện cho học sinh (HS). Chất lượng giáo dục về đạo đức, thể chất, thẩm mỹ và định hướng lao động cho HS được nâng cao theo mục tiêu đào tạo của nhà trường. Phong trào đổi mới phương pháp dạy học được phát triển rộng khắp ở tất cả các ngành học, cấp học; áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học, thu hút HS đến trường; chống lưu ban, bỏ học hiệu quả; phần lớn trường học tại TP.HCM xây dựng kế hoạch và nghiêm túc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Trường lớp sử dụng bàn ghế phù hợp với từng lứa tuổi HS. Về giáo dục tăng cả chất lẫn lượng.
TP.HCM đã triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, thực hiện nghiêm túc 3 công khai: công khai tài chính, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Công tác phổ cập được duy trì, củng cố và đã thực hiện đạt chuẩn phổ cập bậc trung học ở 24/24 quận, huyện, góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố. Đây là một yêu cầu hết sức cần thiết đối với sự phát triển của địa phương trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và thực hiện chủ trương hội nhập.
Hiện nay ngành GD-ĐT TP.HCM đang xây dựng trường tiên tiến chất lượng cao hội nhập với khu vực và thế giới, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến của mình về chủ trương này?
Như tôi đã nói ở trên, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng ngành GD-ĐT thành phố đã phát huy được những truyền thống vốn có của địa phương, quy mô và chất lượng của ngành vẫn phát triển. Đặc biệt, ngành GD-ĐT TP.HCM đã chủ động xây dựng thành công những mô hình tiên tiến ở các bậc học để thực hiện chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế. Mô hình nhà trường tiên tiến chất lượng cao mà ngành GD-ĐT TP.HCM xây dựng đã là một hướng đi đúng và đang có hiệu quả. Với tiêu chí sĩ số trong lớp ít (dưới 30 HS/lớp), HS được tổ chức học tập và hoạt động cả ngày trong trường, trang thiết bị đầy đủ cho HS tự học, gắn lý thuyết với thực hành và thầy, cô giáo phải thực hiện dạy học phù hợp từng đối tượng HS, giáo viên phải chăm sóc từng em, gợi mở, hướng dẫn và tổ chức cho các em hoạt động để tự chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện kỹ năng. Để đạt được những điều vừa nêu đòi hỏi phải có một quá trình xây dựng thực hiện. Đồng thời muốn xây dựng trường tiên tiến chất lượng cao phải huy động hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên để đáp ứng nguyện vọng của HS và phụ huynh; phải vận động tuyên truyền giải thích cho HS, phụ huynh về mô hình này, công khai minh bạch về tài chính, chất lượng, đội ngũ thầy cô giáo…
Như vậy xin Thứ trưởng cho biết những thuận lợi, cũng như khó khăn mà ngành GD-ĐT TP.HCM cần vượt qua?
Trước hết chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của UBND TP.HCM đã chỉ đạo sâu sát đối với sự nghiệp GD-ĐT TP, đây là thuận lợi rất lớn. Song song đó là sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã định hướng đúng đắn để phát triển sự nghiệp GD-ĐT; sự nỗ lực, sáng tạo hiệu quả của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên TP với trên 75 ngàn giáo viên ở các bậc học và ngành học. Thầy, cô giáo đã đoàn kết và tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nền giáo dục của thế giới.
Với những thành tích xuất sắc, nổi bật của ngành GD-ĐT TP.HCM trong năm học qua, ngành được Bộ GD-ĐT công nhận là đơn vị dẫn đầu với 14/14 chỉ tiêu xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn còn những khó khăn như: đội ngũ giáo viên chưa thật đồng đều, sĩ số trong lớp còn cao. Cơ sở vật chất trường lớp thường xuyên được nâng cấp, xây dựng mới nhưng so với nhịp độ phát triển của TP.HCM với số HS nhập cư đông thì vẫn còn hạn chế.
Thưa Thứ trưởng, trong thời gian tới Bộ GD-ĐT chỉ đạo giáo dục TP.HCM cần tập trung thực hiện như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển trên?
Theo tôi trong thời gian tới TP.HCM cần triển khai nhanh hơn nữa công tác đánh giá chất lượng giáo dục các trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có các trường ngoài công lập, các trường do nước ngoài đầu tư hoặc đào tạo theo chương trình tiên tiến. Triển khai các bước chuẩn bị cho Việt Nam tham gia chương trình đánh giá kết quả học tập của HS quốc tế.
Thực hiện tổng kiểm tra, đánh giá về chất lượng và hiệu quả khai thác sử dụng thiết bị dạy học, hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan đến cung cấp và khai thác các thiết bị dạy học. Tiếp tục đầu tư, phát triển các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia. Tận dụng mặt bằng xây dựng của các trường để phù hợp với đặc thù của TP. Triển khai Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2015. Đặc biệt là phấn đấu nhân rộng mô hình trường tiên tiến chất lượng cao mà TP đã làm trong thời gian qua.
Với yêu cầu hội nhập quốc tế và số lượng HS nhập cư hiện nay thì các quận, huyện và các ban ngành liên quan trong năm mới phải phấn đấu tích cực, đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường lớp. Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 quy định về cơ chế tài chính giáo dục và Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cùng với các quy định khác đã tháo gỡ những khó khăn về đầu tư và thực hiện cụ thể hơn chủ trương xã hội hóa giáo dục. Chủ trương này cần phải tập trung nhiều hơn trong năm mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được ngành GD-ĐT thực hiện tốt trong thời gian qua. Trong năm 2011 và những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các ban ngành liên quan tạo điều kiện tốt hơn nữa cho ngành thực hiện nhiệm vụ này, nhằm đảm bảo tốt yêu cầu Chỉ thị 40-CT/TW của Trung ương về xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và thông báo kết luận số 242-TB-TW về phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thời hội nhập.
Xuân Tân Mão đã đến, Thứ trưởng có nhắn nhủ gì với đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy cô giáo của ngành GD-ĐT TP.HCM?
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT xin ghi nhận sự đóng góp tích cực về sự năng động, sáng tạo công sức và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên ngành GD-ĐT TP.HCM trong nhiều năm qua. Năm 2011, với xu thế hội nhập và đất nước phát triển, tôi mong quý thầy, cô giáo cùng các bậc phụ huynh HS hãy đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tận dụng thời cơ tốt để sự nghiệp GD-ĐT TP tiếp tục phát triển hơn nữa. Tiếp tục xứng đáng là đơn vị dẫn đầu về GD-ĐT toàn quốc, biết tận dụng những điều kiện thuận lợi của TP mang tên Bác để phát triển ngành.
Nhân dịp xuân về, thay mặt Bộ GD-ĐT tôi chúc quý thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, công nhân viên ngành GD-ĐT TP.HCM, phụ huynh và các cháu HS một năm mới hạnh phúc và thành công.
Xin cảm ơn Thứ trưởng và xin chúc Thứ trưởng cùng gia đình một năm mới sức khỏe và thành công.
Văn Mạnh (thực hiện)
Bình luận (0)