Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành GD-ĐT TP.HCM: Giảm tải chương trình, gắn lý thuyết với thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay (ngày 12-8), Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Nhìn lại một năm học đã qua, bên cạnh những thành tựu nổi bật thì ngành GD-ĐT TP vẫn còn không ít khó khăn. Vậy năm học mới 2016-2017, ngành GD-ĐT TP sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì để vượt qua khó khăn?

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cùng lãnh đạo Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM trao Bằng khen cho các HS giỏi trong năm học vừa qua

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐTTP.HCM cho biết: Năm học 2015-2016, toàn ngành tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện các nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị TW 8 – khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Sở GD-ĐT lần thứ VI (2015-2020). Lãnh đạo TP nhận thức rõ vai trò quan trọng của GD-ĐT trong sự nghiệp phát triển đất nước và TP; lãnh đạo Bộ GD-ĐT đặt niềm tin vào GD-ĐT TP.HCM cho sự phát triển GD-ĐT cả nước, luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao cho sự phát triển của GD-ĐT TP; niềm tin của người dân TP không ngừng được nâng cao…

PV: Với cương vị là người đứng đầu ngành GD-ĐT TP, ông đánh giá như thế nào về kết quả năm học 2015-2016?

– Ông Lê Hồng Sơn: Năm học 2015-2016, ngành GD-ĐT TP đã đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục, tăng cường đổi mới công tác đối với Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục; đạt hiệu quả thực chất công tác giáo dục toàn diện HS-SV; Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học. Vì vậy, chất lượng và hiệu quả GD-ĐT có nhiều chuyển biến tích cực.

Với những nỗ lực không ngừng, năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc cho ngành GD-ĐT TP.HCM và 3 tập thể khác; 24 tập thể được tặng Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP; 153 tập thể được công nhận tập thể lao động xuất sắc; 8 tập thể và 16 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, 6 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2, 1 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 1; 6 tập thể và 126 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể và 9 cá nhân được Bộ GD-ĐT công nhận điển hình tiên tiến ngành giáo dục giai đoạn 2010-2015…

Năm học vừa qua, toàn TP có hơn 140.000 HS THCS và THPT đạt danh hiệu HS giỏi, hơn 460.000 HS tiểu học được khen thưởng cuối năm do có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện, hơn 3.780 HS giỏi cấp TP, 117 HS giỏi cấp quốc gia và 1 HS đạt huy chương bạc kỳ thi Olympic tin học châu Á Thái Bình Dương… Cuộc thi HS nghiên cứu khoa học năm học 2015-2016 có 480 đề tài tham gia, 18 đề tài được chọn thi quốc gia và đạt 13 giải, 1 đề tài đạt giải ba kỳ thi Intel ISEF tổ chức tại Mỹ. Ở bậc tiểu học đã đạt 2 giải nhất, 3 giải nhì và 3 giải ba cuộc thi Robotics khu vực và 2 giải khuyến khích tại cuộc thi Robothon quốc tế. Đặc biệt, ngành GD-ĐT TP vừa tiếp tục đón nhận tin vui, có 2 HS của TP đạt thành tích huy chương bạc môn MS Word và huy chương đồng môn MS Excel tại kỳ thi Vô địch tin học thế giới tổ chức tại Mỹ.

Cùng với những thành tựu cơ bản trên, ngành GD-ĐT TP còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?

– Trong quá trình phát triển, do đặc thù là một TP lớn, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng HS trung bình mỗi năm gần đây khoảng 65.000 HS, năm học vừa qua tăng 85.000 HS là áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy – học, tổ chức cho HS học tập sinh hoạt cả ngày trong trường và việc xây dựng trường lớp, tăng cường đội ngũ… nên đã phát sinh một số vấn đề khó khăn.

Chẳng hạn như với bậc mầm non, nhu cầu gửi trẻ của người dân TP là rất cao, đặc biệt là con công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải gửi con ngoài giờ, gửi cả ngày nghỉ là có. Tuy nhiên hiện ngành vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ. Sĩ số HS/lớp đông nên tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chưa cao (hiện chỉ đạt 10%).

Với giáo dục phổ thông, sĩ số HS/lớp cao, số lớp học 2 buổi/ngày chưa đạt yêu cầu đề ra, dẫn đến khó khăn trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của HS…

Năm học mới này, chắc chắn TP.HCM tiếp tục chịu áp lực về tăng dân số cơ học. Vậy TP đã đầu tư cơ sở vật chất như thế nào để giảm bớt áp lực này, thưa ông?

– Năm học 2016-2017, toàn TP hơn 1,5 triệu HS, tăng gần 60.000 HS so với cùng kỳ năm học trước. Dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng ngày 5-9 là 2.029 phòng, trong đó mầm non 747 phòng, tiểu học 672 phòng, THCS 501 phòng, THPT 69 phòng, các khối khác 40 phòng. Qua đó, vẫn đảm bảo 100% con em nhân dân sinh sống trên địa bàn TP có đủ chỗ học, việc giảm sĩ số HS/lớp và tăng số HS được học 2 buổi/ngày có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, công tác sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất – đồ dùng dạy học được TP đầu tư hơn 280 tỷ đồng.

Ngành GD-ĐT TP luôn quan tâm đến đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy – học và kiểm tra đánh giá. Xin ông cho biết, vấn đề này trong năm học mới 2016-2017 sẽ được thực hiện như thế nào?

– Ngành GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập trên cơ sở những thành công của các năm học trước. Chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức; tăng cường tổ chức cho HS tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học ứng dụng trong thực tế cuộc sống hằng ngày.

Đồng thời, sẽ chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của HS-SV theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học.

Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất để HS phát triển toàn diện. Ngành sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác giảng dạy và học tập các môn nhạc, họa, chú trọng công tác giảng dạy âm nhạc dân tộc trong nhà trường. Đổi mới công tác giáo dục thể chất, việc giảng dạy môn thể dục và các hoạt động thể thao học đường, chú trọng phát triển các môn võ dân tộc trong trường học…

Cám ơn ông!

Mỹ Bình (thực hiện)

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NĂM HỌC 2016-2017

Những HS đạt giải cao trên đấu trường quốc tế trong năm học vừa qua

Đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục; Đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy – học tập, phương pháp kiểm tra – đánh giá, coi trọng quản lý chất lượng giáo dục; Tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật đến trường và hòa nhập vào cuộc sống.

 

 

Bình luận (0)