Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT TP.HCM đã gặt hái nhiều thành tựu và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nói về những thành quả đạt được, TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Đó là kết quả từ sự nỗ lực, phấn đấu và sự sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo, sự cố gắng của học sinh thành phố và sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền lẫn ban ngành cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của đông đảo phụ huynh học sinh”.
Nhiều thách thức mới
Năm học 2008-2009 này, TP.HCM phấn đấu theo mục tiêu xây dựng trường mầm non an toàn – bền vững; trường tiểu học hiện đại; trường THPT và trường chuyên nghiệp tiên tiến; hệ thống GDTX đa dạng, phong phú đảm bảo yêu cầu xã hội học tập. Để thực hiện mục tiêu trên, Giám đốc Huỳnh Công Minh cho biết: “Ngành GD-ĐT TP.HCM phải thực hiện tốt 5 việc: thứ nhất, tiếp tục thực hiện cuộc vận động 2 không của Bộ GD-ĐT; mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức và tự học cho học sinh. Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng dạy học cá thể, chăm lo tốt đến từng học sinh ở các ngành học. Thứ ba, làm tốt công tác xây dựng đội ngũ, đảm bảo yêu cầu về số lượng, về cơ cấu, nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ. Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, kêu gọi đầu tư và xây dựng trường ngoài công lập. Cuối cùng, tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò trung tâm thông tin tuyên truyền và tăng cường thanh tra quản lý, nhất là các trường ngoài công lập để củng cố kỉ cương quản lý nhà trường”.
Mục tiêu đã rõ, nhưng để đạt được mục tiêu này ngành GD-ĐT thành phố đòi hỏi phải có sự tiếp sức từ nhiều phía, trong đó có sự phối hợp cùng trách nhiệm của một số ngành và chính quyền các quận, huyện. Dù đội ngũ quản lý giáo dục và hơn 60.000 giáo viên của thành phố cố hết sức cũng khó tiến đến mục tiêu. Đơn cử việc xây dựng trường lớp, một điệp khúc lặp lại nhiều năm, nhưng tiến độ xây dựng vẫn còn ì ạch. Trường THPT Hiệp Bình, 5 năm thầy trò dạy và học “ké” ở một trường tiểu học, còn trường chỉ… là mấy bức tường “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hay như Trường THPT Tây Thạnh, phải dạy và học “ké” đến hai trường THCS của quận Tân Phú. Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Anh phải đến Ban Quản lý dự án quận Tân Phú hàng tuần để đôn đốc việc xây trường nhưng rồi vẫn “vũ như cẩn”. Tại kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố, phát biểu trong buổi bế mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Lê Hoàng Quân đã nhấn mạnh: “Những trường học xây dở dang phải nhanh chóng hoàn tất”. Dù chỉ đạo là vậy nhưng thực tế hiện nay Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) đang phải chờ dù mọi thủ tục đã được UBND TP duyệt. Theo số liệu, TP.HCM có 311 dự án xây dựng mở rộng, cải tạo trường lớp, đến hôm nay số dự án thực hiện chưa đến 1/7 (?!). Trong khi sức ép nhu cầu về chỗ học của con em nhân dân ngày càng tăng.
Gồng mình
Tại buổi gặp gỡ báo chí ở ĐH QG TP.HCM, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã dùng từ “gồng mình” để nói về sự cố gắng hết sức mình của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT cả nước. Và nay, không riêng TP.HCM mà nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ, giáo viên phải gồng. Bởi, chỉ có chấp nhận “gồng” mới mong đạt mục tiêu.
Năm học mới, ngành GD-ĐT TP hy vọng sẽ được những cơ quan ban ngành có liên quan tiếp tục phối hợp hỗ trợ, đặc biệt là các bậc phụ huynh (năm học 2007-2008, khoản giúp đỡ tự nguyện cho các trường từ phụ huynh đóng góp lên đến hàng chục tỷ đồng) sẽ chia sẻ và giúp đỡ nhiều hơn nữa. Và mong rằng hơn 200 dự án cải tạo, sửa chữa, mở rộng và xây mới trường lớp của TP sẽ hoàn tất trong năm học này.
T.T.Q
Bình luận (0)