Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) tham quan và học tập ở Úc
|
Để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2010 ngành GD-ĐT TP đã không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra.
Chung quanh vấn đề này, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Kể từ 5 năm trước, khi thực hiện Nghị quyết Đảng bộ TP.HCM lần thứ VIII – tức là thành phố cùng cả nước chủ động hội nhập và phát triển. Với chương trình như vậy, phát huy kết quả của 5 năm trước đó (2000-2005), ngành GD-ĐT TP đã xác định chiến lược là phổ cập giáo dục, tạo điều kiện cho mọi con em nhân dân được đi học. 5 năm vừa qua (2006-2010), ngành GD-ĐT TP đã xây dựng được nhiều điển hình theo hướng hội nhập quốc tế. Trên cơ sở xây dựng thành công những điển hình này, GD-ĐT TP tiếp tục phát huy thực hiện 8 bài học quản lý của Bộ GD-ĐT trên cơ sở liên kết với Singapore. 8 bài học quản lý này nhằm mục đích đổi mới toàn diện nhà trường của TP.HCM. Trong kế hoạch đó, một trong những việc làm để đổi mới toàn diện nhà trường là tổ chức cho hiệu trưởng các trường đi tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm với các nước. Việc hiệu trưởng các trường trong năm vừa rồi đi Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc… đều nằm trong kế hoạch này. Qua những chuyến đi, điều quan trọng nhất là các hiệu trưởng đã tiếp cận được thực tế, khẳng định được mình – tự tin trên bước đường đổi mới hội nhập một cách đúng đắn và khả thi”.
PV: Với những chuyến đi thực tế tại các nước có nền giáo dục tiên tiến, ngành GD-ĐT TP đã áp dụng và triển khai như thế nào, thưa tiến sĩ?
TS. Huỳnh Công Minh: Để nâng cao chất lượng GD-ĐT đạt được yêu cầu hội nhập, trước hết là phải giải quyết cơ chế. Từ những trao đổi, học tập thực tế cũng như phát huy những thành quả có được, TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học xây dựng trường chất lượng cao (CLC) để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Hội thảo đã có sự tham gia của Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM và gần 500 nhà khoa học, sư phạm trong cả nước. Nội dung hội thảo đã khẳng định lộ trình xây dựng trường CLC đáp ứng yêu cầu hội nhập của TP.HCM. Sắp tới đây, trên cơ sở khoa học ấy, chúng tôi sẽ tham mưu với Bộ GD-ĐT cũng như UBND TP để nhân rộng những điển hình này của 5 năm trước. Qua đó để mở rộng mô hình trường CLC ở những nơi có điều kiện theo quy hoạch mạng lưới trường lớp của thành phố đặt ra. Với công việc như vậy để khẳng định xây dựng một nền giáo dục tiên tiến theo tinh thần Thông báo 242-TB/TW kết luận của Bộ Chính trị thì phải xây dựng những trường CLC.
Trường CLC là đơn vị đảm bảo được 5 yếu tố cơ bản:
TS. Huỳnh Công Minh
|
Về cơ sở vật chất, đảm bảo được yêu cầu giảm sĩ số học sinh (HS)/lớp, tăng cường thời lượng HS học tập và hoạt động cả ngày trong trường, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tự học của từng em HS.
Về nội dung giảng dạy, phải tích hợp để tập trung vào vấn đề dạy người – dạy con người mới năng động, sáng tạo thay cho việc từ chương, đối phó với thi cử trước đây. Các tích hợp này tạo điều kiện để các em HS rèn luyện được kỹ năng trong cuộc sống. Tăng cường thời lượng, chương trình đào tạo ngoài nhà trường góp phần đưa HS vào thực tế xã hội, cũng như liên kết với các nước để đưa vào chương trình giảng dạy.
Về thầy cô giáo thì phải đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, năng lực là phải thực hiện thành thạo quan điểm dạy học cá thể, chăm sóc đến từng em HS. Trên cơ sở đó phát huy được năng khiếu và tinh thần tích cực học tập của các em trong quá trình dạy học.
Về đầu tư, phải làm sao đảm bảo được 3 lĩnh vực từ chăm lo con người cho đến cơ sở vật chất kỹ thuật và điều kiện hoạt động chuyên môn. Sự đầu tư này đảm bảo được yêu cầu rất cơ bản nhằm phát huy mục tiêu giáo dục toàn diện nhà trường.
Cuối cùng là công tác quản lý, đánh giá: Phân cấp cho người thầy giáo đánh giá từng HS trong quá trình giảng dạy của mình. Phát huy tối đa dân chủ ở trong trường học thông qua hội nghị viên chức – người lao động đầu năm để xây dựng nhà trường. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh (PHHS), tích cực đưa PHHS vào hợp tác trong quá trình giảng dạy cũng như đánh giá HS.
Đó là 5 yếu tố cơ bản để xây dựng trường tiên tiến hội nhập quốc tế sau hội thảo này. Đây cũng là đúc kết những kinh nghiệm thu thập được từ các nước sau các chuyến tham quan, trao đổi thực tế trong thời gian qua.
Năm 2011 là năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm (2011-2015), tiến sĩ có thể cho biết trọng trách của ngành GD-ĐT TP trong năm nay?
Năm học 2010-2011, đặc biệt là năm 2011 có một ý nghĩa hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển của 5 năm tiếp theo (2011-2015). Đó là năm đầu tiên thực hiện kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX. Trọng trách của ngành GD-ĐT TP rất lớn, vừa phát huy kết quả tốt đẹp là ngọn cờ đầu của cả nước, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu hội nhập và áp lực về chất lượng của địa phương đối với nhà trường. Cho nên mọi công việc rất nặng nề. Tuy nhiên, xuất phát từ lộ trình sẵn có đã được hoạch định một cách chủ động và khoa học, ngành GD-ĐT TP có thể thực hiện được.
Cụ thể những công việc như xây dựng trường CLC hội nhập quốc tế, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiếp tục xây dựng hệ thống trường lớp một cách rộng khắp và nâng cao chất lượng là những công việc rất nặng nề, nhưng tất cả đều nằm trong quy trình, chiến lược đã định sẵn. Bên cạnh đó là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, Bộ GD-ĐT, các ban ngành đoàn thể và nhất là sự tham gia tích cực của PHHS ở các nhà trường. Từ những thuận lợi đó, cùng với sự nỗ lực của thầy, cô giáo trong tinh thần chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp thành công, tôi nghĩ rằng năm 2011 có nhiều triển vọng để có thể đem lại kết quả tốt cho ngành GD-ĐT TP.
Xin chân thành cám ơn tiến sĩ. Nhân dịp xuân Tân Mão, Báo Giáo Dục TP.HCM kính chúc tiến sĩ và gia đình một năm mới an khang – thịnh vượng.
Hòa Triều (thực hiện)
“Năm mới, thay mặt Ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tôi xin được thân chúc quí thầy cô giáo, các em học sinh cùng quí vị phụ huynh một năm mới hết sức tốt đẹp trong lĩnh vực sức khỏe, gia đình và công việc”. (Huỳnh Công Minh)
|
Bình luận (0)