Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành GD-ĐT TP.HCM: Vẫn còn nhiều khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức) 5 năm qua chỉ xây được... bức tường rào. Ảnh: T.T.QNgày 8-10, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị giao ban gồm toàn thể Ban giám đốc, trưởng phòng ban Sở; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các trường THPT – THCN – CĐ và thủ trưởng các  đơn vị trực thuộc Sở; trưởng và phó trưởng phòng GD-ĐT 24 quận huyện. Tại Hội nghị nhiều ý kiến đã phản ánh một số nơi còn gặp nhiều khó khăn trong khi năm học mới đã hơn tháng trôi qua. 

Chuẩn bị tốt

TS. Huỳnh Công Minh cho biết: “Toàn ngành đã có sự chuẩn bị về mọi điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động cho năm học 2008-2009; nhân sự được bổ sung; cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được sửa chữa xây dựng; trang thiết bị và SGK phân phối đầy đủ và kịp thời đảm bảo các yêu cầu về thay sách và đổi mới phương pháp; công tác tuyển sinh đúng quy định nên sau khai giảng hoạt động dạy và học đã đi vào nền nếp, ổn định. Hoạt động chuyên môn được triển khai với nhiều biện pháp quản lý tổ chức dạy và học chặt chẽ. Hầu hết giáo viên THPT được tập huấn về chương trình thay SGK lớp 12 và giáo viên THCS được tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn và đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá”.

Theo phản ánh từ các trường, các cơ sở giáo dục quận huyện, hoạt động dạy và học ở các trường tiểu học, THCS ổn định tốt còn chuyên môn ở bậc THPT được tăng cường. Nhiều trường ứng dụng CNTT trong các tiết lên lớp. Nhiệm vụ năm học là xây dựng môi trường thân thiện đã và đang thực hiện tốt. Về các khoản thu đầu năm học, một số phòng GD-ĐT các quận như 1, 4, 6, 8, 10 Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp tham mưu với địa phương và có văn bản hướng dẫn nên không tạo hiệu ứng xấu. Một số quận huyện được tiếp nhận thêm cơ sở vật chất mới phục vụ cho năm học làm giảm sức ép về chỗ học.

Nhưng vẫn còn nhiêu khê

Tình trạng thiếu giáo viên và thiếu phòng học ở một số quận huyện gây sức ép rất lớn đến các cơ sở giáo dục. Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng GD-ĐT Q. Tân Phú đề nghị: “Chính quyền hãy quan tâm đến đời sống giáo viên”. Thực tế việc chảy máu chất xám, đặc biệt với ngành GD-ĐT là có thật và đã đến mức báo động. Nhiều giáo viên mầm non đã không còn đủ sức “bám” trường đành nghỉ việc để xin vào làm việc các cơ sở giáo dục tư thục hoặc chuyển nghề khác. Ngay như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một ngôi trường được rất nhiều giáo viên “thèm” có một chỗ. Vậy mà đã có vài giáo viên xin nghỉ dạy để qua dạy trường quốc tế hay trường tư thục thu nhập cao hơn. Thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT chọn phương án tuyển giáo viên THCS để dạy tiểu học?

Chưa có tỉ lệ thống kê cả TP.HCM có bao nhiêu lớp sĩ số vượt quy định, nhưng chắc chắn tỉ lệ đó không dưới 60%. Vậy mà hàng trăm dự án sửa chữa xây dựng trường lớp dù đã được UBND TP.HCM phê duyệt rồi nhưng không hiểu tại sao vẫn còn bị “ngâm” hàng trăm ngày? Trường thiếu phòng, thiếu thầy thì phải dồn lớp và sĩ số học sinh vô tình được nâng lên kéo theo chất lượng đào tạo thấp là lẽ tất nhiên. Trong khi xã hội đòi hỏi ở ngành GD-ĐT quá nhiều, nhưng một số sở ngành chưa thật sự quan tâm như vậy đã sòng phẳng chưa? Đơn cử như dãy phòng học của Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) bị chiếm dụng hàng chục năm, UBND TP đã có quyết định thu hồi và giao cho UBND Q.10 di dời và đền bù 9 hộ dân đang sử dụng để thực hiện dự án mở rộng nhà trường (dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2004). Nhưng đến nay mọi thứ vẫn “bình chân như vại”!? Hay như một số dự án khác ở quận Tân Phú, Thủ Đức, huyện Hóc Môn… cũng chịu chung số phận chờ! Lãnh đạo thành phố cần kiểm tra, rà soát để có biện pháp tháo gỡ.

Các trưởng phòng giáo dục, các thầy hiệu trưởng cũng lên án việc người thầy bị xúc phạm, nhưng chưa được xử lý triệt để. Đó là vụ Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lai (Q.8) bị vợ chồng người bán hàng rong hành hung nhưng đến giờ vẫn chưa xử lý. Thậm chí, Phó trưởng công an P.15- Q.8 (nơi xảy ra vụ việc hành hung) là ông Bùi Văn Minh lại cho rằng: Chuyện không có gì lớn (!?). Hành hung một hiệu trưởng ngay cổng trường trước hàng trăm phụ huynh và học sinh mà ông Phó trưởng công an phường cho rằng không lớn thì thật khó hiểu? Đánh thầy là đánh vào nền tảng đạo đức, đánh vào truyền thống quý báu của dân tộc mà không lớn vậy theo ông chuyện gì là lớn đây? Xử lý chậm như vậy, ít nhiều gây sự bất bình và khó hiểu trong dư luận.

T.T.Q

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)