Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành GD-ĐT với hành trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Đi trước, đón đầu, đột phá trong tất cả các mặt kinh tế – văn hóa – xã hội là thế mạnh của TP.HCM và GD-ĐT TP cũng không nằm ngoài nhịp đập này! Đặc biệt, trong suốt 40 năm qua, tập thể CB, GV, NV ngành GD-ĐT TP luôn tự hào với truyền thống sáng tạo, dám nghĩ dám làm, luôn tiên phong trong mọi công cuộc đổi mới GD!

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu và Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn tặng kỷ niệm chương và bằng khen cho học sinh thành phố tham gia Hội trại 9-1

Chia sẻ với Giáo dục TP.HCM nhân dịp đầu Xuân Bính Thân, ông Lê Hồng Sơn – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT – khẳng định: Nhìn lại 40 năm xây dựng và phát triển của TP, riêng về lĩnh vực GD-ĐT, ngành đã gặt hái nhiều kết quả thật ấn tượng. Đó là nhờ sự chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo TP, sự quan tâm, tin tưởng và ủng hộ của người dân TP, sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương. Trong suốt 40 năm qua, GD-ĐT TP.HCM luôn phát triển không ngừng. Chúng ta tự hào với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tích cực đổi mới của GD TP.HCM, địa phương luôn là ngọn cờ đầu của cả nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giúp TP ngày một phát triển, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có thể tóm lại bằng 4 thành tựu nổi bật của GD-ĐT TP là: Đảm bảo trường lớp cho trẻ, đi đầu trong phổ cập GD, sớm thực hiện mục tiêu hội nhập và luôn tích cực đi đầu trong hoạt động đổi mới GD.

Nếu lựa chọn thành tựu ấn tượng nhất, cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định thì đó là việc xây dựng, phát triển hệ thống trường lớp, đáp ứng nhu cầu chỗ học cho con em Nhân dân TP (kể cả người lao động nhập cư). Với đặc thù của một đô thị trung tâm, tỉ lệ tăng dân số, nhất là số dân nhập cư của TP.HCM luôn ở mức rất cao kéo theo áp lực rất lớn về trường lớp. Từ 14.992 lớp học với 595 trường, trong 40 năm, đến nay TP đã có 27.901 lớp học với 938 trường. Qua đó, đảm bảo được chỗ học cho hơn 1 triệu HS phổ thông. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn thể hệ thống chính quyền TP, nhất là trong năm 1996, “Năm GD của TP.HCM”. Qua việc ưu tiên ngân sách cho xây dựng trường lớp, TP đã xóa bỏ tình trạng ca 3, ca 4; tích cực đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, hiện đại. Hiện tại, TP đã có trên 170 trường học từ MN đến THPT đạt chuẩn quốc gia, qua đó giúp nâng cao chất lượng dạy – học, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM được trải nghiệm thực tế với trang thiết bị máy móc hiện đại

PV: Đưa Nghị quyết 29 của Đảng vào cuộc sống, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao cho đất nước và TP. Trong hai năm qua, ngành GD-ĐT TP đã thực hiện được những công việc gì, thưa Giám đốc?

Ông Lê Hồng Sơn: Như đã khẳng định ở trên, GD-ĐT TP.HCM luôn tích cực, đi đầu trong việc thực hiện đổi mới. GD TP xác định đổi mới là quy luật tất yếu, đồng thời là điều kiện bắt buộc để hội nhập, để đào tạo nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cung cấp nguồn nhân lực trẻ chất lượng cho công cuộc phát triển của TP.

Với mục tiêu trên, được lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo TP tin tưởng, giao nhiệm vụ, hiện nay, GD TP.HCM thí điểm thực hiện nhiều đề án đổi mới. Đó là các đề án: Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP; Dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam; Hỗ trợ GD MN TP; Mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập quốc tế; Xóa mù chữ cho người trong độ tuổi lao động; Thẻ học đường SSC – thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt; Xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP giai đoạn 2012-2020; Nâng cao chất lượng công tác phổ biến GD pháp luật trong nhà trường…

TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm giải pháp đổi mới công tác quản lý GD, nâng chất đội ngũ nhà giáo, CBQL GD, tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới cơ chế tài chính… Không chỉ mở rộng chương trình đưa CBQL GD đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước có nền GD tiên tiến, TP sẽ tạo điều kiện để các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, Việt kiều tham gia giảng dạy tại các trường học của TP.

Năm 2015, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động thực hiện Nghị quyết 29, Sở GD-ĐT đã phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư phát triển Việt Nam – BIDV TP.HCM triển khai chương trình nhà ở cho CB, GV, NV ngành GD-ĐT TP; Ký kết với Eximland hợp tác xây dựng khu nhà ở cho GV tại quận 9; Ký kết hợp tác với Pearson Education – một tổ chức GD uy tín của Anh về đào tạo GV, công nhận chương trình thuộc đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; phối hợp MB Bank và VietinBank triển khai “Thư viện tiên tiến, hiện đại tại các trường học trên địa bàn TP”; Ký kết hợp tác với NXB GD Việt Nam triển khai xây dựng bộ sách giáo khoa của TP.HCM theo chương trình khung mới của Bộ GD-ĐT.

Giám đốc đánh giá như thế nào về tác động của những giải pháp trên đối với việc đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – Chương trình đột phá hàng đầu trong 7 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X?

Một điểm có thể nhận thấy rõ ràng trong các giải pháp đã nêu trên là tính toàn diện, tác động trên tất cả các mặt của GD-ĐT. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, GV, NV luôn được tập trung thực hiện theo kế hoạch hàng năm của Sở GD-ĐT và đã đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ là cần đổi mới phương thức đào tạo, nội dung đào tạo ở các trường ĐH, là những “máy cái” đào tạo ra đội ngũ. Bên cạnh đó, nhóm giải pháp quan trọng nữa là hướng đến giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ nhằm giúp CB, GV, NV ngành GD-ĐT TP toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp trồng người. Bởi vì chính CBQL  GD và GV là đối tượng thực thi quá trình đổi mới căn bản, toàn diện. TP đã thực hiện được nhiều chế độ phụ cấp, trợ cấp cho đội ngũ GV MN, GV dạy GD công dân, pháp luật, thể chất, GV vùng sâu… tuy nhiên cần tiếp tục lộ trình này đến các đối tượng GV còn lại như: Tiểu học, trung học dạy các môn xã hội… Trong các giải pháp đang thực hiện, chương trình “Nhà ở cho CB, GV, NV ngành GD-ĐT TP” sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động dạy – học xây dựng các phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại, tích cực, hướng đến người học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng, có kỹ năng làm việc tốt, đáp ứng công cuộc xây dựng và phát triển TP với mục tiêu hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Để đột phá trong nội dung này, bên cạnh những giải pháp như tăng cường tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chất lượng hoạt động dạy ngoại ngữ…, TP chủ động xây dựng các chương trình dạy học tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phù hợp với bản sắc, đặc trưng của TP. Nếu đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” là giải pháp đáp ứng nhu cầu hội nhập, thì việc TP.HCM được chọn xây dựng bộ sách giáo khoa theo chương trình khung mới của Bộ GD-ĐT, đáp ứng định hướng đổi mới việc dạy – học và phù hợp với đặc thù của TP.

Sinh viên ngành điện Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM trong giờ học thực hành

Một điểm sáng cần được nhắc đến là việc nhân rộng phong trào nghiên cứu khoa học, gieo mầm sáng tạo cho HS ở các cấp học. Hướng tới việc dạy và học theo năng lực cá thể, sở trường, giúp HS tự tin, năng động, nhiều trường phổ thông phát triển mạnh câu lạc bộ đội nhóm học thuật, năng khiếu, nghiên cứu khoa học… Nhờ đó, HS TP.HCM không chỉ tỏa sáng thành tích học tập mà còn giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Nhóm giải pháp thứ ba là tiếp tục tăng cường xây dựng trường lớp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Bên cạnh việc tiếp tục giải bài toán chỗ học cho người dân TP trước áp lực tốc độ tăng dân số cơ học, quá trình đổi mới đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, giảm sĩ số để nâng chất lượng dạy – học, đầu tư xây dựng các chương trình dạy học tiên tiến… Để thực hiện được nhiệm vụ này, việc thực hiện xã hội hóa GD vẫn cần được đẩy mạnh. Mục tiêu sắp tới là phải mở rộng các trường thực hiện mô hình “trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập quốc tế”, tiếp tục tham mưu thực hiện đề án “Thư viện tiên tiến, hiện đại tại các trường học trên địa bàn TP”.

Với những nhóm giải pháp tổng thể trên, tôi tin tưởng ngành GD-ĐT sẽ hoàn thành nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quá trình phát triển của TP.HCM.

Nhân dịp Xuân Bính Thân 2016, Giám đốc dành những lời chúc nào tới đội ngũ thầy cô giáo của ngành?

Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo ngành, tôi gửi đến đội ngũ CBQL GD, quý thầy giáo, cô giáo, NV ngành GD-ĐT TP cùng gia đình lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc toàn ngành GD-ĐT TP.HCM tiếp tục phát huy truyền thống, thực hiện thắng lợi quá trình đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của các cấp lãnh đạo và người dân TP.

Xin trân trọng cám ơn Giám đốc!

Lê Quang Huy (thực hiện)

Bình luận (0)