Chiều nay (31/8), Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo chuyên đề khai giảng năm học mới 2011-2012. Các Thứ trưởngT: Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Thị Nghĩa, Bùi Văn Ga đồng chủ trì cuộc họp.
Năm học 2011-2012 có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai thực hiện "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh HIển phát biểu tại cuộc họp báo. |
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị cho năm học mới và kế hoạch tổ chức khai giảng năm học 2011-2012, kế hoạch thời gian năm học của các địa phương, HS tựu trường tập trung chủ yếu từ ngày 15-24/8, khai giảng năm học từ ngày 03-05/9 và kết thúc năm học từ ngày 21-31/5.
Ngày 23/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi ngành GD-DT nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012.
Trong dịp khai giảng năm học mới này, sẽ có 9 đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội dự lễ khai giảng tại 10 trường phổ thông ở 7 tỉnh, thành phố.
Trước đó, ngày 30/8, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ đã dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Dương Quảng Hàm (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Tân Kỳ (huyện Tứ kỳ, tỉnh Hải Dương).
Theo ước tính, năm học 2011-2012 toàn ngành GD-ĐT sẽ có 3.756.000 trẻ mầm non đến trường (trong đó nhà trẻ 556.000 cháu, mẫu giáo 3.200.000 cháu). HS PT có 15.140.000 em (tăng 288.000 em so với năm học 2010-2011), trong đó tiểu học 7.350.000 em (tăng 301.300 em), THCS 4.960.000 em (giảm 8.300 em), THPT 2.830.000 em (giảm 5.000 em so với năm học 2010-2011).
Trong các ngày đầu tựu trường, các CSGD đã có kế hoạch tổ chức cho HS học nội quy nhà trường, Luật giao thông đường bộ và có nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể trong tuần đầu năm học mới nhất là ở những lớp đầu cấp học.
Để chuẩn bị cho năm học 2011-2012, công tác bồi dưỡng hè cho giáo viên, CBQL các trường tiểu học, THCS, THPT và TTGDTX được chuẩn bị chu đáo. Đã có 1.200 báo cáo viên cốt cán về triển khai Chuẩn Hiệu trưởng trường Mầm non và Chuẩn Hiệu trưởng trường Tiểu học. Bồi dưỡng báo cáo viên cốt cán Mầm non. Bồi dưỡng 1.860 học viên cốt cán cấp Bộ với các chuyên đề.
Các phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo |
Tập huấn 600 cán bộ cốt cán cấp THPT về tổ trưởng chuyên môn; bồi dưỡng cho 430 giáo viên chủ nhiệm lớp cốt cán của các tỉnh/ thành phố; bồi dưỡng cho 530 cán bộ cốt cán các tỉnh/thành phố về nội dung giáo dục hòa nhập. Tổ chức bồi dưỡng về các nội dung chuyên môn sâu cho 2.000 giáo viên cốt cán các trường chuyên trên toàn quốc.
Ở các địa phương, 100% đội ngũ giáo viên các Sở GD-ĐT đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng hè 2011, các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác chủ nhiệm, năng lực quản lí cho cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên các cấp.
Nhiều Sở đã làm tốt công tác tham mưu với tỉnh để tuyển mới giáo viên bổ sung cho năm học mới. Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã tiến hành rà soát, tham mưu cho UBND có kế hoạch bổ nhiệm, luân chuyển, điều động giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu và tuyển dụng mới, đến nay nhiều tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu giáo viên cho năm học mới.
Chuẩn bị cho năm học mới, đến nay, NXBGD Việt Nam đã phát hành 88,3 triệu bản SGK; tặng đầy đủ SGK cho con thương binh, liệt sĩ trong cả nước, mỗi em 01 bộ sách giáo khoa và 10 cuốn vở, tổng giá trị 13 tỉ đồng; cùng với các Sở GD-ĐT, các Công ty sách – thiết bị trường học địa phương đảm bảo học sinh trên mọi miền đất nước có đủ sách giáo khoa học tập.
Ngành đã tổ chức các đoàn kiểm tra CSVC, và công tác tuyển sinh tại các CSGD. Theo báo cáo nhanh của 37 tỉnh, thành phố, về cơ bản các đơn vị trong toàn ngành đã khẩn trương tích cực, chuẩn bị và đảm bảo tốt các điều kiện cho năm học mới.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án kiến cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, nhiều trường học được xây mới và đưa vào sử dụng ngay đầu năm học. Đầu tư sửa chữa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đảm bảo cho năm học mới bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Nhiều tỉnh có kế hoạch xây dựng nhà công vụ cho hầu hết các địa bàn để tạo điều kiện sinh hoạt và công tác của giáo viên trẻ mới ra trường, giáo viên thực hiện luân chuyển.
Các Cục, Vụ chức năng Bộ GD-ĐT giải đáp các ý kiến của phóng viên. |
Đáng chú ý, trong trận lũ quét lịch sử cuối tháng 6 vừa qua, ngành GD-ĐT huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, tỉnh Nghệ An chịu khá nhiều tổn thất. Đến nay, hai huyện này cơ bản khắc phục xong hậu quả trận lũ, các nhà trường đã hoàn chỉnh việc tu sửa, nâng cấp, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học mới và tổ chức dạy và học từ ngày 15/8/2011.
Các địa phương tiến hành điều tra, nắm chắc lại số trẻ trong độ tuổi đến trường để gửi giấy báo gọi nhập học, thực hiện nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền, phấn đấu đưa toàn bộ học sinh 6 tuổi vào lớp 1, học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6.
Đối với HS cũ, các trường học tiến hành cập nhật danh sách HS bỏ học trong năm học trước, số đi học tiếp tục của năm học này để thực hiện công tác tham mưu với chính quyền, phối hợp ban ngành, đoàn thể địa phương, Hội khuyến học, Hội Cựu giáo chức các cấp để vận động học HS bỏ học đi học trở lại trường. Hỗ trợ, giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn, cấp học bổng cho HS nghèo, thực hiện "3 đủ" đối với mỗi HS. Các trạm truyền thanh và hệ thống thông tin cổ động thường xuyên thông báo, gọi học sinh đến trường theo danh sách do các trường cung cấp.
Bên cạnh đó các địa phương tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương tổ chức tuyên truyền các hoạt động về giáo dục như công tác chuẩn bị cho năm học mới, ngày tựu trường, các hoạt động tổ chức khai giảng năm học mới.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện yêu cầu "3 đủ" đối với mỗi HS.
Tại cuộc họp báo, đã có nhiều ý kiến của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đưa ra và đã được các Cụ, Vụ chức năng của Bộ, lãnh đạo Bộ giải đáp theo đúng chủ trương, tinh thần chỉ đạo của ngành.
Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản đề nghị các Chính quyền địa phương tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các CSGD. Theo tinh thần này, tất cả các CSGD đều phải thực hiện công khai mức thu học phí được quy định tạiu TT số 09/2009/TT-BGDDT của Bộ GD-ĐT và Quy chế thực hiện công khai đối với các CSGD của hệ thống GD quốc dân.
|
Theo Bá Hải
(GD&TĐ)
Bình luận (0)