Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ngành giáo dục cần sớm lấy lại niềm tin

Tạp Chí Giáo Dục

Nói không ngoa rằng đến bây giờ xã hội đã mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà ngay từ bậc phổ thông đến ĐH và trên ĐH. Sự lung lay niềm tin đó xét cho cùng không chỉ tại ngành mà do ở nhiều phía.

Điều cần thấy đầu tiên là mục đích cuối cùng của việc học và của con người có học là phải có công ăn việc làm ổn định và có cơ hội phát triển tài năng của mình. Ấy nhưng, việc này khó quá. Bởi lẽ, khi đã hội đủ trình độ cho phép nghĩa là đã hoàn thành xong chuẩn ngành nghề nghiệp theo yêu cầu đào tạo, song tìm kiếm việc làm không phải dễ dàng. Vì việc làm thì ít mà người thì nhiều. Và việc chọn người làm việc thường không công tâm, khách quan, vô tư, khoa học. Đó là không chọn người tài mà chọn… người nhà (không chọn người làm được việc mà chọn người do thân quen, do mối quan hệ làm ăn với nhau…). Và nếu khi may mắn có việc làm rồi thì khó có cơ hội phát triển vì do bảo thủ địa phương, do cục bộ, lợi ích nhóm còn phổ biến ngay nơi làm việc. Và khi có năng lực mà không có cơ hội thể hiện năng lực thì sẽ làm cho con người nản lòng, thủ tiêu ý chí tiến thủ dẫn đến chẳng yêu nghề nữa, làm việc không hiệu quả.

Điều thứ hai là do bệnh thành tích cứ như đã ăn sâu vào việc vận hành ở nguồn máy hành chính nước ta nên việc báo cáo láo thành tích như cái chuyện hiển nhiên, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc là ảo nhiều hơn thật. Và ở giáo dục cũng vậy. Bậc học nào, trường học nào, lớp học nào cũng chạy theo thành tích nên chất lượng giáo dục, đào tạo không như mong muốn.

Thứ ba là ngành giáo dục hiện nay chỉ chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức chứ không dạy văn hóa làm người dẫn đến đào tạo ra những con người chỉ biết mưu cầu danh lợi cá nhân chứ không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng. Và từ đây nền móng đạo đức của học đường lung lay, hiện tượng bạo lực học đường bùng phát. Môi trường giáo dục không được trong sáng, lành mạnh, thân thiện như xưa.

Thứ tư là do xin được làm thầy quá khổ, tốn kém cho nên người thầy phải tìm cách có tiền để trả nợ dẫn đến phải dạy thêm. Khi dạy thêm ít nhiều sẽ xảy ra những tiêu cực trong học đường. Mặt khác, khi lương không đủ sống cho chính bản thân mình thì người thầy phải làm những việc có thể coi là không hay lắm dẫn đến tư cách, đạo đức bị xói mòn, làm cho hình ảnh người thầy bị méo mó đi trong mắt mọi người.

Điều cần thấy thêm là ngay trong ngành đã coi thường bằng cấp mình tạo ra. Coi bằng cấp như một món hàng mua đi bán lại dễ dàng nên đào tạo ào ạt, đào tạo không chọn lọc làm cho xã hội loạn lên. Đánh đồng giữa người học thật, kiến thức thật với người học dỏm, không học bởi những “bằng bán, điểm mua”.

Trước thực trạng đó, ngành giáo dục cần phải giải quyết và giải quyết một cách nhanh chóng mới lấy lại niềm tin giáo dục trong xã hội.

Nguyễn Tú

Bình luận (0)