Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành giáo dục thành phố: Biến nguy thành cơ

Tạp Chí Giáo Dục

Những phương thức giáo dục truyền thống không còn phù hợp, cách thức tương tác truyền thống bị đẩy qua một bên… là những thách thức của ngành GD-ĐT trong năm 2020 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ những thách thức đó, ngành GD-ĐT TP.HCM đã có những dịch chuyển, sáng tạo, mạnh dạn, không những duy trì kết nối trong giảng dạy mà còn “biến nguy thành cơ”, nâng cao trình độ giáo viên, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xứng đáng là đầu tàu giáo dục của cả nước.


Các gi hc đi mi đã ngày càng đưc giáo viên mang đến vi hc sinh

1.Nhớ lại những ngày đầu tiên khi học sinh nghỉ dịch Covid-19 cách đây gần 1 năm, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) cho biết, thời điểm đó gần như nhà trường, giáo viên “lần mò” để tìm đường đi bởi tất cả những thứ tưởng như bình thường trước đây bỗng chốc không còn phù hợp. “Mọi thứ đến quá bất ngờ, chưa bao giờ có thể tưởng tượng được đến một lúc nào đó giáo dục truyền thống lại trở nên không thể tương thích. Mọi kế hoạch giáo dục gần như đứt gãy, đổ vỡ. Nhà trường, giáo viên bỗng trở nên bị động trước những thay đổi bất ngờ do ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Với tinh thần “nghỉ học nhưng không dừng học”, vừa phòng chống dịch vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, cô Trang cho biết, mọi phương thức truyền thống của nhà trường đã dần chuyển sang phương thức “chống dịch”. “Họp giáo viên trên phòng họp ảo; trao đổi thông tin với phụ huynh, học sinh qua trực tuyến; các lớp học ảo bắt đầu xuất hiện… Mọi thứ cả tập thể đều phải tự mày mò, góp ý. Việc đột ngột thay đổi các phương thức giảng dạy, tương tác khi giáo viên đã quá thân thuộc với bảng đen, phấn trắng là điều không hề dễ dàng, nhất là những giáo viên lớn tuổi. Song, từng bước một, từng chút một, bằng trách nhiệm của người thầy, người cô để mang lại kiến thức cho học sinh, “thách thức” với dịch bệnh, tất cả đội ngũ đều đồng lòng cố gắng”.

2. Trong trận tuyến chống Covid-19 trên mặt trận giáo dục, để không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau, đối với các trường học mà cơ sở vật chất, đối tượng học sinh còn gặp nhiều khó khăn thì “thách thức” nâng lên gấp bội. Đối mặt với thách thức, rất nhiều đơn vị đã có những sáng kiến, mô hình đưa kiến thức “vượt khó” để đến với học sinh. Ở đó, trọng trách của người giáo viên được đặt lên hàng đầu. “Những ngày đầu khi mới dạy trực tuyến, rào cản không chỉ đến từ giáo viên khi chưa quen tay mà còn đến từ phía học sinh, phụ huynh. Bởi không phải học sinh nào cũng có điều kiện với điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng để học trực tuyến và không phải phụ huynh nào cũng nhận thức đúng việc học trực tuyến để có sự hỗ trợ nhà trường”, cô Kim Nguyễn Quỳnh Giao (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Q.8) chia sẻ.

Cô Giao cho biết, thời điểm khi mới bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến, theo khảo sát của trường có tới gần 50% học sinh nhà trường không có đủ trang thiết bị để học trực tuyến. “Covid-19 đã khiến học sinh chịu thiệt thòi khi không được đến trường, không được gặp gỡ thầy cô bạn bè, chẳng lẽ điều kiện khó khăn một lần nữa lại khiến các em chịu thêm thiệt thòi. Trước thách thức này, giáo viên nhà trường đã phải làm thêm bước nữa là sàng lọc đối tượng học sinh trong mỗi lớp không có điều kiện học trực tuyến để in tài liệu trong từng bài học, để ở văn phòng nhà trường để các em đến trường lấy. Thậm chí, nhiều giáo viên nhà trường còn sẵn sàng đến tận nhà học sinh để giảng bài cho các em với những kiến thức các em không hiểu… Bằng những nỗ lực từ phía giáo viên, phụ huynh cũng đã có sự đồng thuận, phối hợp với nhà trường giám sát con em mình để việc giảng dạy trực tuyến được hiệu quả hơn”.

Tương tự, những rào cản về đối tượng học sinh, khả năng thích ứng của giáo viên cũng chính là thách thức trong dạy trực tuyến đầu mùa dịch Covid-19 ở bậc tiểu học. Đối đầu thách thức, để những mối liên kết trong nhà trường không bị đứt gãy, để kiến thức đến được với học sinh khi các em nghỉ học ở nhà đã khiến từng nhà trường, từng giáo viên phải chủ động thích ứng. “Thách thức lớn nhất đối với bậc tiểu học là học sinh còn nhỏ, nhất là đối tượng học sinh lớp 1. Vì thế, bài giảng trực tuyến phải làm sao vừa đạt chuẩn kiến thức, vừa có sự thu hút học sinh khi học, vừa nhận được sự hỗ trợ từ phía phụ huynh”, cô Nguyễn Thị Lệ Hằng (Hiệu trưởng Trường TH Võ Văn Tần, Q.6) bày tỏ.

Các video bài giảng được giáo viên lần lượt thực hiện, sự chỉn chu trong từng khung hình, xen kẽ với các video là những bài tập thực tế gắn kiến thức với vận dụng có sự tham gia trực tiếp của phụ huynh. “Từ những bỡ ngỡ của một vài video ban đầu, giáo viên đã mạnh dạn thực hiện. Các video càng ngày càng hoàn thiện, không chỉ đưa kiến thức đến học sinh mà còn “kéo” được cả phụ huynh vào trong cuộc học trực tuyến”, cô Hằng hồ hởi.


Giáo viên Trưng THCS Nguyn Du (Q.1) trong gi hng dng CNTT thiết kế tiết hc trc tuyến

3.Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy dịch Covid-19 đã trở thành cú hích, tạo đà, là một trong những hạt nhân lớn giúp ngành GD-ĐT TP có sức bật. Nếu như ban đầu dịch Covid-19 là sự hoang mang, loay hoay trong thay đổi phương thức giảng dạy thì từ chính sự vận động, chuyển mình để thích ứng đã giúp mỗi giáo viên, nhà trường và toàn ngành giáo dục biến “nguy thành cơ”.

“Hiện nay, mỗi giáo viên đã chủ động đưa công nghệ vào trong tiết học. Kết hợp giữa giảng dạy trực tuyến và trực tiếp, kiến thức bài học được mở rộng. Các tiết học ở tất cả các bộ môn đã không còn đơn điệu, rời rạc. Thậm chí, giáo viên nhà trường đã rất mạnh dạn đưa các tiết học có sử dụng điện thoại vào trong giờ học, giúp học sinh, giáo viên làm chủ được CNTT. Phải nói rằng, chính Covid-19 đã giúp thầy cô biến nguy nan thành cơ hội để thay đổi, làm mới bản thân phù hợp với hoàn cảnh và đòi hỏi của giáo dục hiện đại, đổi mới giáo dục”, cô Nguyễn Đoan Trang nhấn mạnh.

Bằng sự nỗ lực “vượt khó”, cô Nguyễn Thị Lệ Hằng cho hay, hiện nay trong kế hoạch giáo dục của nhà trường luôn được nhà trường xây dựng với những tình huống phòng ngừa để giáo viên không bị động. Việc dạy học luôn được nhà trường đặt trong “tình hình mới”, tức là kết hợp dạy trực tiếp với sự linh hoạt giao bài, kết nối trực tuyến với phụ huynh học sinh. “Giáo dục hiện đại, xã hội biến động không ngừng đòi hỏi giáo viên phải luôn vận động. Sự vận động đó giúp thầy cô biến nguy thành cơ, đối đầu với thách thức”.

Năm 2021 vẫn diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chính sự chủ động của đội ngũ giáo viên, sự mạnh dạn của từng đơn vị nhà trường sẽ là cầu nối để giáo dục TP.HCM tiếp tục đi về phía trước với những kết quả đáng mong đợi. Sẽ không còn là sợ hãi, không còn là hoang mang, loay hoay mà trái lại đó là những bước đi đầy vững chắc, đưa kiến thức đến với học sinh trong “tình hình mới”.

Đ Giang Quân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)