Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành giáo dục thành phố với công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM là địa phương đứng đầu trong cả nước về số người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có nhiều trường hợp ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Do vậy, ngày 11-4, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống HIV/AIDS của TW đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP về hoạt động này.
Tại đây, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phó phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TP cho biết: “Trước năm 2008, Sở GD-ĐT TP luôn nhận được phản ánh của người dân về việc nhà trường không tiếp nhận học sinh bị nhiễm HIV. Khi xuống các trường kiểm tra thì được biết, nguyên nhân là do phụ huynh nhận được thông tin trong lớp con mình học có trẻ nghi nhiễm HIV. Và họ yêu cầu nhà trường không cho học sinh này đi học. Không chỉ phụ huynh mà ngay cả giáo viên cũng có những phản ứng tiêu cực. Một giáo viên mầm non cứ nằng nặc xin hiệu trưởng cho chuyển sang lớp khác, hiệu trưởng không đồng ý nên giáo viên này nghỉ việc. Sau này hỏi ra mới biết, trong lớp có một trẻ là con của một gia đình có người bị nhiễm HIV. Sở dĩ có tình trạng này là do mọi người hiểu chưa đúng về HIV/AIDS. Do đó, Sở GD-ĐT TP đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho các giáo viên”…
Kết quả, trong thời gian qua đã có 12 ngàn giáo viên mầm non và 1,5 ngàn giáo viên tiểu học được tập huấn về luật cũng như cơ sở lây truyền HIV/AIDS. Qua đó, giáo viên đã biết cách ứng xử khi gặp tình huống tâm lý lo lắng của phụ huynh có con học tại trường, biết cách chăm sóc và sơ cứu vết thương phần mềm khi trẻ bị té ngã hay va chạm. Đối với bậc THCS và THPT, nhà trường đã lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống HIV/AIDS vào trong chương trình dạy học môn sinh, giáo dục công dân, ngữ văn…
Không chỉ có vậy, hàng năm, nhằm hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” (từ 10-11 đến 10-12), Sở GD-ĐT TP đều tổ chức các hội thi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong học sinh, sinh viên. Mỗi trường đều xây dựng góc tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, liên Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP đã đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào thang điểm kiểm tra y tế trường học. Trong đó nhấn mạnh nếu nhà trường để xảy ra tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với học sinh nhiễm sẽ bị trừ điểm.
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân – Chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cũng cho biết: “Mỗi năm, TP cấp cho ngành GD-ĐT khoảng 180 triệu đồng làm kinh phí phòng, chống HIV/AIDS”.
Sau khi nắm tình hình, Trưởng đoàn Hà Thị Dung – Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT nhận xét: TP.HCM đã làm rất tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS trong trường học. Đây là mô hình điểm cần được nhân rộng trong cả nước. So với các tỉnh, thành khác, kinh phí cấp cho ngành GD-ĐT làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở TP.HCM rất cao. Đi kiểm tra thực tế ở một số tỉnh, chúng tôi ghi nhận kinh phí này chỉ có 2-3 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, bác sĩ Mai Xuân Phương (Bộ Y tế) cho rằng: “Với trên 46 ngàn người, trong đó chuyển sang giai đoạn AIDS là trên 17 ngàn người, TP.HCM có tỷ lệ người nhiễm/vạn dân đứng thứ 3 trong cả nước. Trong đó, tỷ lệ mắc qua đường tình dục đang gia tăng – 42%. Đáng báo động là tình trạng đồng tính nam và đồng tính nữ ở TP.HCM cao nhất cả nước. Ngành GD-ĐT cần phải tìm hiểu tình trạng này trong trường học. Ngành GD-ĐT cũng cần quan tâm hơn đến đối tượng học sinh THCS, THPT, nhất là học sinh nữ. Việc đi nhà nghỉ, khách sạn ở lứa tuổi này rất đáng báo động”.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)