Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Ngành giáo dục TP.HCM: Sẵn sàng cho năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 18-8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP.HCM đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới 2009-2010”. Hội nghị có sự tham gia của Sở GD-ĐT TP, phòng GD-ĐT và UBMTTQVN 24 quận, huyện…

“Bở hơi tai” tìm phòng học
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2009-2010, số học sinh ra lớp 1 là 97.749 em, tăng 14.236 em so với dân số trong độ tuổi là 83.513 em. Trong khi đó số học sinh lớp 5 lên lớp 6 là 70.614 em. Theo đó, ngành GD-ĐT TP cần thêm 27.135 chỗ học cho học sinh lớp 1, tương đương với 700 phòng học (mỗi phòng khoảng 40 học sinh). Tuy nhiên, so với năm học 2008-2009, bậc tiểu học chỉ có thêm 292 phòng học, như vậy là thiếu khoảng 400 phòng.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Bình Thạnh) trong ngày khai trường 17-8. Ảnh: XUÂN HỒNG
Ở Q.Tân Bình, theo ông Nguyễn Thanh Hải – Trưởng phòng GD-ĐT thì: “Năm học 2009-2010, theo khảo sát toàn quận có 6.658 trẻ 6 tuổi nhưng số trẻ ra lớp 1 tính đến thời điểm này là 7.178 em, tăng khoảng 2.000 em so với năm học 2008-2009. Để đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, ngành giáo dục đã phải giảm số lớp bán trú từ 100 lớp xuống còn 50 lớp, tăng sĩ số học sinh/lớp lên 40 – 45 em, cá biệt có những trường là 50 em/lớp”.
Trong năm học mới, Q.Thủ Đức đưa vào sử dụng 36 phòng học mới ở bậc tiểu học. Nhưng do số học sinh lớp 1 tăng đột biến, tập trung ở các phường như Bình Chiểu, Bình Thọ, Linh Xuân, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Trung nên sĩ số học sinh/lớp quá đông.
Tội nhất có lẽ là Q.9, trong năm học 2009-2010 cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) không có thêm một phòng học mới nào. Thậm chí ở bậc tiểu học có hàng chục phòng học xuống cấp trầm trọng không thể tiếp tục cho học sinh ngồi học. Trong khi đó số học sinh vào lớp 1 tăng nhanh, đặc biệt là dân nhập cư. Ở Trường Tiểu học Hiệp Phú, tổng số học sinh là 1.356 em, cần 32 phòng học nhưng toàn trường chỉ có 28 phòng, thiếu 4 phòng. Trường Tiểu học Phước Long có 2.275 học sinh, cần 53 phòng học nhưng chỉ có 28 phòng, thiếu 25 phòng. Trường Tiểu học Phước Bình có 2.187 học sinh, cần 46 phòng nhưng chỉ có 40 phòng… Để đảm bảo chỗ học cho các em, bà Lê Thị Minh Loan – Quyền Trưởng phòng GD-ĐT Q.9 cho biết: “Trường Tiểu học Phước Bình mượn phòng học ở Nhà Thiếu nhi phường, Trường Tiểu học Hiệp Phú mượn 4 phòng học của Trường Mầm non Vàng Anh. Còn Trường Tiểu học Phước Long mượn phòng ở Nhà Thiếu nhi quận, Trường THCS Phú Hữu…”.
Ngành GD-ĐT TP đã làm khá tốt công tác tuyển sinh đầu cấp năm học mới (2009-2010)
Giáo viên cơ bản là… đủ
Tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP báo cáo: “Sau khi rà soát kế hoạch trường, lớp, biên chế nhân sự năm học 2009-2010, Sở GD-ĐT TP dự kiến cần bổ sung thêm 3.437 giáo viên cho các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp”…
Nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại vì hầu như năm nào ngành GD-ĐT TP cũng không tuyển đủ giáo viên. Ông Nguyễn Ngọc Vân – đại diện UBMTTQVN Q.2 thắc mắc: “Đến nay ngành GD-ĐT đã tuyển được bao nhiêu giáo viên, thiếu hay đủ, thiếu thì làm sao?”.
Tính đến thời điểm này, Sở GD-ĐT TP đã tuyển được trên 3.000 giáo viên, trừ bậc tiểu học thì các bậc học khác như mầm non, THCS, THPT, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp về cơ bản là đủ. Đối với giáo viên tiểu học, Sở GD-ĐT đang tiến hành tuyển đợt 2. TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng thừa nhận: “Theo định mức mới về giáo viên tiểu học là 1,5, trước đây chỉ có 1,15 nên ngành GD-ĐT chưa tuyển đủ giáo viên. Nhưng chúng tôi đảm bảo là không thiếu giáo viên để chăm sóc, giáo dục học sinh ngay từ ngày đầu nhập học…”.
TS. Huỳnh Công Minh cũng cho biết, từ năm học 2009-2010, ngành GD-ĐT sẽ phân cấp việc tuyển giáo viên cho quận, huyện đối với bậc học mầm non, tiểu học và THCS, còn những bậc – ngành học trực thuộc sở thì sở sẽ tuyển. Và việc tuyển dụng giáo viên sẽ tiến hành cả năm, bất kỳ lúc nào thiếu giáo viên là tuyển lúc đó chứ không đợi đến hè mới tuyển như hiện nay.
Sau khi nghe báo cáo từ ngành GD-ĐT, ông Dương Quang Hà – Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM kết luận: “Ngành GD-ĐT đã chuẩn bị khá tốt cho năm học mới, từ công tác tuyển sinh, đến tuyển giáo viên, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương còn khó khăn, nhất là cơ sở trường lớp ở Q.9. Tôi đề nghị UBMTTQVN địa phương theo dõi và hỗ trợ. Về chất lượng giáo dục dù đã tăng và được Bộ GD-ĐT cũng như người dân đánh giá cao nhưng vẫn chưa đồng đều. Trong năm học này và những năm học tiếp theo, ngành GD-ĐT TP cần quan tâm hơn đến các trường yếu để chất lượng giữa các trường tăng đều như nhau. Có vậy mới hạn chế được tình trạng chạy trường, chạy lớp, quá tải cục bộ…”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)