Hội nhậpGiáo dục phát triển

Ngành giáo dục TP.HCM: Triển khai các giải pháp mang lại hiệu quả tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mùa hè là dịp để học sinh, sinh viên được vui chơi và thư giãn sau một năm học đầy vất vả! Nhưng trước khi được thực sự thư giãn, một bộ phận học sinh còn một số công việc đặc biệt quan trọng khác, đó là thi tuyển đầu cấp, thi đại học, cao đẳng…
Liên quan tới kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp gặp những thuận lợi – khó khăn gì? Bên cạnh đó là công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp để đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn thành phố năm học 2014-2015 ra sao…? Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố xoay quanh những vấn đề này.
PV: Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015, tất cả các quận huyện trên địa bàn TP.HCM sẽ tổ chức thi tuyển. Đây là điểm mới nhằm giúp công tác hướng nghiệp – phân luồng cho học sinh ngày càng tốt hơn. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này, thưa Giám đốc?
Giám đốc Lê Hồng Sơn: Toàn thành phố trước đây có 9 quận, huyện được áp dụng phương thức xét tuyển đầu vào lớp 10, được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, năm học 2014-2015, học sinh cuối bậc THCS của 9 quận, huyện đều thi tuyển đầu vào lớp 10 như học sinh của các quận, huyện khác. 9 quận, huyện này sẽ không gặp khó khăn trong tư vấn và tổ chức tuyển sinh bởi trước đây những quận, huyện này đã từng áp dụng phương thức thi tuyển. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn chu đáo của Sở GD-ĐT, công tác tư vấn của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm đối với học sinh và phụ huynh trong việc chọn nguyện vọng sẽ giúp các em đăng ký thi vào trường phù hợp với sở thích, năng lực và thuận tiện gần nơi cư trú như các quận, huyện đã từng tổ chức thi tuyển trong thời gian qua. Tỉ lệ vào lớp 10 công lập chung toàn thành phố khoảng 81,3%, còn lại các học sinh sẽ tiếp tục vào học tại các trường TCCN, dạy nghề, TTGDTX theo năng lực và nguyện vọng của mình.
Thưa Giám đốc, nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, áp lực học sinh tăng cơ học như vậy, ngành GD-ĐT thành phố gặp khó khăn như thế nào?
Đây là quy luật tự nhiên, người dân thành phố sinh sống, lao động, công tác… năm nào cũng tăng nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thì việc xây dựng trường lớp cho ngành GD-ĐT được đầu tư rất tốt, nhất là những năm gần đây. Bình quân, mỗi năm gần đây thành phố xây mới và đưa vào sử dụng trên 1.200 phòng học đạt chuẩn, trang thiết bị hiện đại. Đây là thuận lợi để ngành GD-ĐT thành phố đảm bảo đầy đủ chỗ học cho các lứa tuổi dù các em có hộ khẩu thường trú hay tạm trú. Dù trường ở nội thành hay ngoại thành đều được đầu tư về cơ sở vật chất như nhau, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt chuẩn hoặc trên chuẩn. Đơn cử như huyện Nhà Bè, ngay trong tháng 4 vừa qua, huyện đã khánh thành và khởi công mới nhiều trường học, hoặc như quận 1 năm nay cũng đưa vào sử dụng một trường THCS được xây mới khang trang – sạch đẹp. Ngoài ra, còn có các quận, huyện khác trong năm học này cũng khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều ngôi trường mới như quận 11, huyện Hóc Môn, Bình Chánh…

Các bậc phụ huynh hãy yên tâm và cho con em mình học đúng tuyến, đúng quận huyện nơi mình sinh sống, tránh tình trạng gây áp lực cho một số điểm trường, tạo sự vất vả cho bản thân học sinh và phụ huynh.
Được biết, ngành GD-ĐT đang hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Vậy trong các tiêu chí này có những tiêu chí, đề án gì, thưa Giám đốc?
Việc xây dựng các tiêu chí cho mô hình trường học tiên tiến, hiện đại, phù hợp xu thế hội nhập khu vực và quốc tế theo định hướng của nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 – Khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” để giúp các đơn vị trường học có cơ sở xây dựng đề án trình UBND quận, huyện, Sở GD-ĐT và UBND thành phố. Việc xây dựng các đề án thí điểm nhằm hướng tới xây dựng môi trường học tập hiện đại, phát huy khả năng sáng tạo, tự học của học sinh dựa trên việc ứng dụng CNTT vào dạy, học, vào công tác quản lý và kết nối nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả với phụ huynh học sinh, giữa giáo viên và học sinh.
Có thể khẳng định, TP.HCM là địa phương đi đầu khi triển khai các giải pháp mang lại hiệu quả tích cực: Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố. Đề án thí điểm sách giáo khoa điện tử cho giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3; Đề án xây dựng thí điểm trường học thông minh. Đề án “Đổi mới dạy và học toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam.
Đề án “Đổi mới dạy và học toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”. Giám đốc có thể nói rõ hơn về đề án này?
Đề án này do Sở GD-ĐT phối hợp với EMG Education và các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước, xây dựng trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình của Bộ GD-ĐT đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận, chỉ đạo Sở GD-ĐT thẩm định và trình UBND thành phố cho triển khai thí điểm từ năm học 2014-2015. Việc triển khai thí điểm đề án sẽ góp phần khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện các chương trình tiên tiến trước đây. Học sinh tham gia sẽ được tiếp cận chương trình tiên tiến quốc tế và được đánh giá theo chuẩn đánh giá của Bộ Giáo dục Anh quốc (khác với trước đây là chuẩn một trường đại học); được học bằng ngoại ngữ và có kiến thức sâu hơn so với việc học đơn lẻ một chương trình, dưới góc độ người nước ngoài học tiếng Anh qua đó vận dụng kiến thức vào thực tiễn hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn Giám đốc!
Lê Quang Huy (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)