Sau một năm thực hiện thí điểm “Mô hình trường THCS thân thiện” theo “Dự án trường THCS thân thiện” được Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) triển khai thí điểm ở 50 trường THCS trong cả nước thuộc các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Lào Cai, Gia Lai, Kon Tum; TP.HCM và Hà Nội.
Góp phần khắc phục những hạn chế
Theo đó TP.HCM có 2 quận, huyện là Thủ Đức và Hóc Môn được chọn tham gia thí điểm thực hiện mô hình trường THCS thân thiện, trong khuôn khổ dự án nói trên (Thủ Đức có 3 trường là các trường THCS Linh Trung, Trương Văn Ngư, Thái Văn Lung; Hóc Môn có 5 trường THCS là các trường THCS Lý Chính Thắng 1, Tân Xuân, Trung Mỹ Tây 1, Tam Đông 1 và Trường THCS Nguyễn An Khương).
Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém của giáo dục nhà trường hiện nay như tình trạng học sinh chán học, bỏ học đi làm, chất lượng học sinh chưa cao, khắc phục các hiện tượng tiêu cực nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, ổn định và duy trì chuẩn phổ cập THCS, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Trường học thân thiện với thanh thiếu niên là một cách tiếp cận trên cơ sở tôn trọng quyền trẻ em và nhằm khuyến khích học sinh sống khỏe mạnh, hài lòng với việc học tập và được giáo viên nhiệt tình dạy dỗ cùng với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng, để các em có thể phát triển hết tiềm năng của mình trong một môi trường an toàn và đầy đủ dinh dưỡng.
Trường học thân thiện cung cấp một cách tiếp cận toàn diện đến giáo dục chất lượng.
Yếu tố thân thiện trong trường học được thể hiện ở việc động viên, khuyến khích học sinh, giáo viên và các đối tượng liên quan tham gia xây dựng môi trường giáo dục với tình thương và trách nhiệm nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục của nhà trường.
Những tiêu chí
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 – 2013, trong đó chú trọng đề cao việc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, phát huy vai trò tích cực, tinh thần tự giác, hứng thú học tập cho học sinh; giáo dục thái độ, hành vi ứng xử thân thiện giữa các thành viên trong trường, uốn nắn mọi thái độ, hành vi thiếu văn hóa, ngăn ngừa hành vi bạo lực trong trường học, với các tiêu chí cơ bản: “Đảm bảo cho mọi học sinh trên địa bàn nơi trường đóng được đi học, học hết cấp học, không bỏ học, không có những biểu hiện kỳ thị, bất bình đẳng giới, phân biệt các đối tượng xã hội khác nhau; có nhiều biện pháp khả thi để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục; có môi trường sư phạm lành mạnh về vật chất cũng như tinh thần, tạo hứng thú học tập, vui chơi giải trí đảm bảo an toàn sức khỏe thể lực và tinh thần học sinh; đảm bảo các mối quan hệ tốt giữa các thành phần trong nhà trường, đặc biệt là quan hệ thân thiện và tôn trọng lẫn nhau; tăng cường vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh; nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoài giờ lên lớp; tăng cường gắn bó, nâng cao hiệu quả mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng để đạt chất lượng giáo dục cao mà không gây áp lực nặng nề đối với học sinh; góp phần chăm lo các công trình lịch sử, văn hóa, các công trình công cộng, chăm sóc và bảo vệ môi trường, tạo sự gắn bó của học sinh với các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc và địa phương”.
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT thì từ năm học 2008 – 2009 bậc học tiểu học, THCS và THPT trên phạm vi cả nước sẽ bắt đầu thực hiện cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện theo mô hình “Trường học thân thiện” với các tiêu chí cơ bản nói trên.
Các trường xây dựng kế hoạch hưởng ứng phong trào để đăng ký với Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT; trong năm học 2008 – 2009 các trường tập trung thực hiện các nội dung trong văn bản chỉ thị và kế hoạch nói trên, phấn đấu ở mỗi quận, huyện; mỗi bậc học đều có ít nhất một trường đạt tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Có thể nói, trường học nào thực hiện tốt các tiêu chí nói trên thì các hoạt động giáo dục trong nhà trường sẽ trở nên “nhẹ nhàng”, “vui tươi”, “hấp dẫn mọi người”, nhất là người học và để mỗi ngày đến trường của học sinh là một niềm vui và thực hiện đúng theo mô hình “Trường học thân thiện” thì ngành giáo dục có thêm một bước đột phá mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.
Nguyễn Tấn Khiêm (Hóc Môn)
Bình luận (0)