Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ngành giao thông vận tải: Tăng cường trách nhiệm trong quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kinh phí đầu tư xây dựng hạn hẹp, ngành GTVT phải khắc phục khó khăn để hoạt động hiệu quả. Ảnh: I.T

Bộ GTVT chọn năm 2013 là Năm chất lượng và tiến độ công trình giao thông. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chung chủ yếu như sau: Triệt để bám sát chỉ đạo tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến đầu tư xây dựng GTVT, hạn chế khởi công mới các dự án, tập trung đầu tư dứt điểm, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính hạn hẹp.
Năm 2013 được nhận định là năm tiếp tục khó khăn về kinh tế, nhiều dự án của ngành GTVT đã phải ứng trước kế hoạch vốn 2013 để thực hiện, do đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản thiếu nhiều so với nhu cầu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Phải đảm bảo chất lượng công trình
Theo Bộ GTVT, trong năm 2013 cần tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tốt để sớm phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch, chương trình hành động của: “Năm kỷ cương, tiến độ, chất lượng công trình 2013”. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án thu hút đầu tư của xã hội thông qua hình thức đầu tư BOT, BT, PPP, giảm áp lực nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Song song đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề ra nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực: Về thể chế, cần chủ động trong công tác tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong quản lý đầu tư xây dựng. Đặc biệt, trong việc xây dựng Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Chủ động nghiên cứu và tham mưu cho bộ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện khi có văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Rà soát để hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, công nghệ, ứng dụng công nghệ mới đảm bảo chất lượng bền vững và tuổi thọ khai thác của các công trình giao thông.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Về quản lý tiến độ, chất lượng công trình: Cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nâng cao năng lực, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý, điều hành, thực hiện dự án, xác định tiến độ và chất lượng công trình là yếu tố hàng đầu, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Triển khai thực hiện nghiêm túc việc đánh giá hoạt động của các đơn vị tham gia xây dựng dự án, lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện, năng lực hoạt động. Chủ động kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa triệt để các yếu tố ảnh hưởng xấu đến tiến độ, chất lượng công trình, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời thực hiện nghiêm công tác giám định, chủ động thực hiện kiểm định tại các dự án có nghi ngờ về chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh bảo đảm chất lượng công trình… Về quản lý giá thành: Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường chấn chỉnh chất lượng công tác lập dự án đầu tư, thiết kế xây dựng nhằm lựa chọn được kết cấu công trình, kiến trúc hợp lý, đảm bảo các tiêu chí về kinh tế – kỹ thuật của dự án, tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo chất lượng công trình. Thực hiện tốt công tác quản lý đấu thầu, xây dựng giá gói thầu hợp lý, phản ánh đúng thực tế, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm. Để đạt được các mục tiêu về quản lý tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng, giá thành công trình, an toàn thi công trong thời gian tới, khắc phục triệt để tình trạng chậm tiến độ, chất lượng công trình không đảm bảo, tổng cục yêu cầu các cơ quan đơn vị khẩn trương và nghiêm túc đánh giá những mặt còn tồn tại trong hoạt động, tổ chức lập đề án, chương trình hành động, các giải pháp khắc phục và chịu trách nhiệm trước tổng cục trong tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, khả thi, nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tiến độ, chất lượng, giá thành tại các công trình xây dựng. Tổng cục Đường bộ cũng đề ra các giải pháp cụ thể, cách thức tổ chức thực hiện đối với từng lĩnh vực: Công tác quản lý, đầu tư, xây dựng; công tác quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành công trình cũng như đối với ban quản lý dự án.
Hà Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)