Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngành học nào sẽ “nóng”?

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi. Ảnh: T.Tr

Theo dự báo của các chuyên gia về tuyển sinh, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin vẫn là những ngành “hút” nhiều thí sinh. Và chuyên ngành chứng khoán từng là “một hiện tượng” trong 2 năm vừa qua, năm nay liệu có còn giữ được “phong độ”?
Những ngành “truyền thống” vẫn nóng
Những ngành truyền thống ở đây được hiểu là những ngành thế mạnh, tạo nên “thương hiệu” của mỗi trường. Năm 2008, để qua “cửa” vào học khoa Bác sĩ răng hàm mặt, mỗi thí sinh phải đạt được ít nhất 28,5 điểm, để học khoa Bác sĩ đa khoa, các thí sinh cũng phải sở hữu cho mình 3 con số 9. Điểm chuẩn thấp nhất của ĐH Y Hà Nội là 23 điểm đối với khoa Cử nhân kỹ thuật y học. ĐH Y Hà Nội luôn là “cửa ải” khó “nhằn” nhất đối với thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh. Khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương cũng luôn thuộc hàng “sao” khi mà điểm chuẩn đầu vào luôn thuộc top. Không phải ngành “hot” nhưng theo ông Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, những ngành truyền thống của trường luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo thí sinh. Những ngành như sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, toán – tin là những ngành thế mạnh của trường và thường có rất đông thí sinh nộp hồ sơ thi tuyển. Điểm của những ngành này cũng luôn cao. Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng cũng cho biết ngành xây dựng dân dụng công nghiệp của trường hàng năm có điểm chuẩn cao nhất và thu hút nhiều thí sinh nhất. Ông cũng dự đoán, năm 2009 cũng không là ngoại lệ. Đối với ĐH Hà Nội, ông Đỗ Duy Truyền cho rằng, khoa Tiếng Anh vẫn là khoa lựa chọn số 1 của thí sinh khi dự thi vào trường. ĐH Bách khoa, ngành “hot” nhất và “khó chơi” nhất vẫn là điện tử viễn thông. 
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2006-2007 chứng kiến “hiện tượng” chuyên ngành chứng khoán. Nhưng từ cuối năm 2008, đầu năm 2009, cùng với suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán mất điểm, điều này, có ảnh hưởng đến “lựa chọn” của thí sinh năm nay? Ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) khẳng định chắc chắn là có. Vì hiện nay, thí sinh đã bắt đầu lựa chọn theo “xu hướng thị trường”. Việc hàng loạt công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ và đứng trên bờ vực của phá sản sẽ tác động tới sự lựa chọn của thí sinh. Tuy nhiên, 4 năm sau những thí sinh của năm nay mới ra trường, ai có thể đoán trước được tình hình thị trường chứng khoán ngày đó sẽ như thế nào?
Học trường quân đội không cần sơ tuyển
Để được vào học ở một trường quân sự là mơ ước của rất nhiều thí sinh và không phải ai cũng hội đủ điều kiện. Vài năm trở lại đây, việc đó không còn khó khăn nữa và đã mở rộng cửa với tất cả những ai có nhu cầu. Nhưng ngược lại, không phải thí sinh nào cũng biết. Nguyên nhân là do một phần thông tin của những trường này không được đăng tải trên cuốn Những điều cần biết mà chủ yếu bó hẹp trong phạm vi trong ngành. Trong khi đó, hiện nay, nhiều trường ĐH, học viện quân sự không chỉ tuyển sinh hệ quân sự mà còn tuyển sinh cả hệ dân sự. Ở hệ dân sự này, bất cứ thí sinh nào có nhu cầu đều có thể đăng ký dự thi như các trường ĐH khác, kể cả thí sinh nữ.  Học viện Quân y năm 2009 có 190 chỉ tiêu, trong đó có 80 chỉ tiêu dân sự. Học viện khoa học kỹ thuật quân sự có 185 chỉ tiêu khối A có 100 chỉ tiêu dân sự các ngành tiếng Anh, tiếng Trung. Học viện hậu cần có 420 chỉ tiêu, trong đó có tới 200 chỉ tiêu dành cho hệ dân sự.
Đặc biệt, thông tin của các trường ĐH, CĐ thuộc khối quân đội, công an sẽ được đưa lên cuốn Những điều cần biết về thi và tuyển sinh 2009.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)