Hôm qua là hạn cuối cùng nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2). Hầu hết trường ĐH ở khu vực Hà Nội thông báo gần đủ thí sinh. Nhưng dự báo nhiều trường ĐH, CĐ địa phương sẽ phải ghép ngành hoặc đóng cửa một số ngành.
Ảnh minh họa – Internet. |
Dù là trường công lập lớn nhưng ĐH Nha Trang có một số ngành trọng điểm tuyển được rất ít thí sinh NV1: Kỹ thuật khai thác thủy sản (chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển), Điều khiển tàu biển (1 thí sinh trúng tuyển), An toàn hàng hải (2 thí sinh trúng tuyển); Kinh tế quản lý thuỷ sản (4 thí sinh trúng tuyển). Kết thúc gọi NV1, trường thiếu hơn 1.000 người học.
Trước giờ đóng cửa NV2, hôm qua, ông Trần Danh Giang, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nha Trang cho biết: ngành Kỹ thuật khai thác thủy sản mới có hơn 10 thí sinh đăng ký NV2, trong khi phải cần đến tối thiểu 20 – 30 thí sinh. Trong trường hợp dưới 20 thí sinh, nhà trường sẽ vận động thí sinh chuyển ngành vì không đủ kinh phí để đào tạo. Theo ông Giang, dù thiếu thí sinh, trường cũng không tuyển NV3 để không làm chậm quá trình đào tạo.
Vì sao thiếu người học? Ông Trần Danh Giang lý giải: “Nghề cá của ta là nghề của nhân dân, không có những tàu thuyền hiện đại. Như vậy, người được đào tạo ra khó có điều kiện tiếp cận một nền kinh tế biển hiện đại. Ngay học sinh ở vùng biển muốn thi vào ngành này cũng khó đạt điểm quy định của Bộ GD&ĐT. Các sở thủy sản luôn nói là thiếu nhân lực nhưng không tuyển dụng… Đầu ra khó khăn như thế, có tác động rất mạnh trở lại đào tạo”.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ HN cho rằng, các trường ĐH hiện có quá nhiều ngành đào tạo trùng nhau, trong khi số người học chỉ có hạn. Điều đó gây khó khăn trong thị phần đào tạo, những trường mới thành lập rất khó tuyển sinh.
Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng trường ĐHDL Phương Đông nhận xét: “Các trường có ít sinh viên sẽ khó duy trì ngành đào tạo. Do vậy nên ghép ngành hoặc đóng cửa ngành. Đây là việc bình thường”.
Tuy nhiên, bà Khổng Thị Uyên, Phó phòng Đào tạo, Viện ĐH Mở HN cho rằng, giải pháp ghép ngành không khả thi. Vì không đúng nguyện vọng, thí sinh sẽ không chuyển ngành. Tốt nhất là vận động các thí sinh học ngành đủ điểm và sẽ học thêm ngành mong muốn để lấy bằng của cả 2 ngành.
Với sinh viên đang đào tạo dở dang, dù đóng cửa ngành, các trường vẫn phải đào tạo đến khi các em ra trường. Theo ông Vũ Văn Hóa, các trường thiếu người học nên liên kết đào tạo với nhiều trường khác để có thể gửi sinh viên sang đó đào tạo.
Hồ Thu / TPO
Bình luận (0)