Dự báo sai về trận mưa lịch sử tại Hà Nội và 11 tỉnh phía Bắc, cùng với những sai sót trong dự báo bão lũ cuối năm 2008 một phần trách nhiệm thuộc về sự thiếu kinh nghiệm của đội ngũ dự báo viên.
Th.S Trần Thanh Phong (ĐH Nông lâm) tư vấn ngành nghề cho các học sinh Trường THPT Trung Phú (Củ Chi) trong chương trình Hướng nghiệp – tuyển sinh do Báo SGGP tổ chức. Ảnh: MAI HẢI |
Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan thì nguyên nhân là do thiếu nhân lực kế thừa trong khi những cây đa cây đề của ngành khí tượng thủy văn đã và sắp nghỉ hưu nên ngành này sẽ rất “khát” nhân lực trong 5 năm tới.
Chỉ tính riêng Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ thì trong năm 2009 phải bổ sung thêm 5 người để làm quen việc dần và có kinh nghiệm để thay thế những dự báo viên hiện hữu.
Kế hoạch còn phải tiếp tục “bắt người” và đặt hàng tại các trường đại học, cao đẳng để tìm nguồn nhân lực kế thừa liên tục. Phân tích dựa trên những số liệu, thực tế tại địa phương sẽ mang tính chính xác hơn dự báo khu vực nên hầu như địa phương nào cũng cần nhân viên quan trắc, cán bộ dự báo vì vậy nhu cầu nhân lực càng thiếu nhiều.
Ngoài 2 trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội và TPHCM có đào tạo ngành khí tượng thủy văn – hải dương học, còn có 2 trường CĐ Tài nguyên và Môi trường đào tạo ngành này.
TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM cho biết: Khí tượng thủy văn là ngành mà xã hội phát triển rất cần. Từ sinh hoạt thường nhật đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều cần phải nắm được “ý ông trời” để hoạt động cho nên đây là ngành “hot” hiện tại và nhiều năm nữa vẫn nóng.
Đặc biệt, năm 2009 trường sẽ tuyển sinh cả 2 khối A và B (trước đây chỉ tuyển sinh khối A) để mở rộng cửa vào cho những thí sinh có đam mê nghiên cứu khí tượng thủy văn, hải dương học. Không học “chay”, sinh viên được tiếp cận kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia, cán bộ quản lý của các viện hải dương, đài khí tượng thủy văn tham gia giảng dạy ngay trên giảng đường, và thực hành, thực tập trên những thiết bị tại các đơn vị này.
Tuy nhiên, TS Quang cũng cho biết mấy năm liền ngành này không tuyển đủ chỉ tiêu vì người học lo khó tìm việc làm, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp không cao vì chuyên ngành quá hẹp, quá “bèo”. Thực tế học ngành này vẫn có thể tìm việc tại nhiều ngành rất “ngon”, kể cả tư nhân lẫn nhà nước như: làm công tác khí tượng tại các sân bay, hãng hàng không; đài khí tượng thủy văn trung ương, khu vực, địa phương; các viện nghiên cứu; sản xuất nông nghiệp…
Đây là một trong những ngành có điểm trúng tuyển đầu vào không cao.
Trong 3 năm gần đây, điểm trúng tuyển vào ngành này tại Trường ĐHKHTN TPHCM là 15 điểm. Tương tự, tại Trường ĐHKHTN Hà Nội cũng có điểm chuẩn NV1 là 15 (2007) và 18 (2008).
TIÊU HÀ (SGGP)
Bình luận (0)