Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngành kỹ thuật điện tử đang sáng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Nam hay nữ theo học ngành CNKT-ĐTVT đều phù hợp
Năng động, giỏi vật lý, ngoại ngữ và yêu thích điện tử…, đó là các yếu tố phù hợp cho ngành công nghệ kỹ thuật – điện tử viễn thông (CNKT-ĐTVT) – một ngành đang cần nhiều nhân lực cho xã hội.
Có phù hợp với phái yếu?
Đó là câu hỏi của em Nguyễn Minh Hương, học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.HCM). Theo Minh Hương, ngay từ nhỏ, em rất thích lắp ráp, sửa chữa các thiết bị điện tử. Mặt khác học lực các môn tự nhiên, ngoại ngữ, tin học của em rất khá, vì thế em dự định đăng ký xét tuyển vào ngành CNKT-ĐTVT. Tuy nhiên, em nghe bạn bè nói: “Con gái theo ngành này sẽ vất vả vì liên quan đến vận hành, sửa chữa máy móc là chính”. Vì vậy em đang phân vân liệu có nên học ngành này không? và ngành này cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Về vấn đề này, ông Tôn Thất Tín, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho rằng CNKT-ĐTVT là ngành trang bị các kiến thức về hệ thống thông tin điện thoại, di động, cáp quang, mạng máy tính, mạng viễn thông thế hệ mới, kỹ thuật lập trình ứng dụng, kỹ thuật truyền số liệu và mạng, công nghệ truyền dẫn quang… Là con gái hay con trai theo học ngành này đều phù hợp. Đặc biệt đối với những ai giỏi môn vật lý, ngoại ngữ thì đây là nền tảng tốt cho người học.
Ông Tôn Thất Tín cho biết: “Cái hay của ngành CNKT-ĐTVT là trong quá trình đào tạo, người học được thực hành nhiều. Qua đó, người học được rèn luyện tính siêng năng, cẩn thận, tỉ mỉ lẫn kỹ năng làm việc. Và quan trọng hơn nữa, người học cần năng động, đam mê, yêu thích sáng tạo, tìm tòi cái mới… sẽ phát triển tốt về kiến thức, tay nghề khi học ngành này”.
Gần 100% có việc làm sau khi ra trường
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, mỗi năm thị trường lao động cần khoảng 16.200 nhân lực ngành CNKT-ĐTVT. Đây được xem là một trong 4 ngành chủ lực của xã hội hiện nay (gồm cơ khí, hóa chất, CNKT-ĐTVT, chế biến thực phẩm) và thuộc định hướng phát triển dài hơi của thành phố từ nay đến năm 2025.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng xã hội ngày càng phát triển, mọi công việc đều giải quyết dựa trên cơ sở các quá trình trao đổi thông tin nhiều chiều. Các thiết bị hiện đại như điện thoại, phương tiện máy tính, truyền hình… ra đời đều nhằm phục vụ cho con người vì mục đích này. Dễ dàng thấy nhất đó là nhiều mạng viễn thông phát triển mạnh để phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin giữa con người với nhau. Vì thế, không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của ngành CNKT-ĐTVT.
“Sau khi được đào tạo, người học có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa, cải tiến, nâng cấp các hệ thống, thiết bị điện tử, viễn thông; nghiên cứu, phát triển ứng dụng CNKT-ĐTVT. Người được đào tạo về CNKT-ĐTVT thường làm việc tại các công ty, xí nghiệp về điện tử, viễn thông, các nhà máy sản xuất công nghệ tự động hóa cao, khu công nghiệp – khu chế xuất – khu công nghệ cao. Hoặc tham gia giảng dạy, nghiên cứu mà không sợ thất nghiệp”, ông Trần Anh Tuấn cho biết. Theo ông Trần Anh Tuấn, người tốt nghiệp ngành này không khó tìm việc. Hiện Việt Nam mở rộng nhiều hoạt động hợp tác đầu tư với nước ngoài về lĩnh vực này. Điển hình gần đây là có sự đầu tư, phát triển của Tập đoàn Samsung với nhu cầu tuyển dụng lao động lớn thì cơ hội việc làm cao. Khoảng 95% người ra trường có việc làm, thu nhập ổn định, thậm chí lương rất cao.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
“Hiện nay số lượng đào tạo ngành CNKT-ĐTVT mới chỉ đáp ứng 80% nhu cầu. Theo đó, ngành CNKT-ĐTVT mới chỉ được tập trung đào tạo ở bậc ĐH, CĐ. Cụ thể, bậc ĐH chiếm khoảng 40% (khoảng 4.800 chỉ tiêu), CĐ khoảng 55% (khoảng 6.600 chỉ tiêu) và TCCN chỉ chiếm khoảng 7% (khoảng 850 chỉ tiêu). Số lượng này sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu lao động cho xã hội trong tương lai”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.
 

Bình luận (0)