Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành logistics: Không thể cứ làm thủ công mãi

Tạp Chí Giáo Dục

Logistics được xác định là một ngành quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng TP.HCM, đòi hỏi TP phải sớm thực hiện chuyển đổi số trong logistics. Đây là quá trình sử dụng công nghệ số hóa để cải thiện hiệu quả và tăng cường quản lý trong hoạt động, vận chuyển thông quan hàng hóa.


Thiếu đu tư công ngh khiến hot đng ca các doanh nghip logistics b tt hu

Ngành logistics đang gp nhiu thách thc

Năm 2023, ngành logistics phải đối mặt với nhiều hệ lụy do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.

Riêng về thách thức lâu dài, đó là yêu cầu nguồn nhân lực cho hoạt động khai thác cảng, logistics trong bối cảnh mới. Ông Nguyễn Thanh Nhã – Tổng Giám đốc Công ty TNHH phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng – cho biết, nguồn nhân lực của Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với lực lượng lao động trẻ dồi dào, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khá cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên vẫn còn một số thách thức như chảy máu chất xám; chính sách đãi ngộ, tiền lương chưa thỏa đáng; môi trường làm việc không thuận lợi cho lao động tri thức, hạn chế nghiên cứu; lao động chuyển dịch sang các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Ngành logistics cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi thiếu hụt nguồn cung nhân lực chất lượng cao cũng như khó khăn trong việc thu hút đội ngũ này. Khó khăn về điều kiện làm việc và yêu cầu năng lực đáp ứng công việc.

Theo ông Nhã, cần ổn định, duy trì nguồn nhân lực và có chính sách thu hút. Với các cơ quan quản lý Nhà nước cần đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực các dịch vụ logistics, phát triển chiến lược nâng cao chất lượng GD-ĐT, đẩy mạnh mô hình liên kết.

Ông Nguyễn Văn Vẹn – Viện trưởng Viện Kinh tế ứng dụng, Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM – cho rằng, không chỉ thiếu nhân lực, kho bãi mà hạ tầng giao thông TP chưa hoàn chỉnh đã ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch logistics. Chưa kể, nhiều khu công nghiệp còn nằm trong khu dân cư đông đúc. Việc xây dựng dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là rất cần thiết, song cũng phải tính toán nhiều khía cạnh bởi nơi đây là khu sinh quyển thế giới. Trong bối cảnh TP.HCM phát triển thành đô thị thông minh phải tính đến logistics thông minh – bài toán này lẽ ra phải được tính từ hàng chục năm trước.

“Hiện nay việc thu thuế vẫn thực hiện thủ công. Hàng ngày, nhiều gánh hàng rong vẫn bán khắp các khu phố, thể hiện một khâu logistics tuy rất nhỏ nhưng lại là nhu cầu có thật. Một đô thị không có giải pháp căn cơ chuyển dịch loại hình kinh tế siêu nhỏ trong siêu đô thị là một mâu thuẫn”, ông Vẹn nói.

Máy móc phi nhanh chóng thay thế “tay chân”

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của phân khúc logistics ở khu vực thành thị, các TP lớn sẽ bắt buộc các doanh nghiệp phải mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh ra các thị trường khác. Sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng dùng điện thoại thông minh ngày càng nhiều, nhất là ở các TP trực thuộc Trung ương sẽ kích thích mua bán, tiêu dùng và kéo theo hoạt động logistics phát triển.

Đối với TP.HCM, logistics được xác định có vai trò là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, TP đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, TP phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM – nhấn mạnh: “TP.HCM có thuận lợi trong ASEAN về thương mại và vận tải quốc tế khi tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng; lĩnh vực logistics cần được tập trung và phát huy thế mạnh, đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp TP nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế”.

Theo đề án “Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TP sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha, gồm Cát Lái – Phú Hữu – TP.Thủ Đức; Long Bình – TP.Thủ Đức; Linh Trung – TP.Thủ Đức; Củ Chi – huyện Củ Chi; Tân Kiên – huyện Bình Chánh; Hiệp Phước – huyện Nhà Bè; xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Ngoài ra còn có các dự án với chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.

Ông Trương Nguyên Linh – Phó ban Nghiên cứu – Đào tạo, Hiệp hội Logistics TP.HCM – nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết trong phát triển logistics phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong đó, những dự án xây dựng các trung tâm logistics TP.HCM đang thiết lập phải được hiện thực hóa, tiến hành nhanh. Dựa vào điều kiện này doanh nghiệp phải nỗ lực áp dụng chuyển đổi số để giảm áp lực công việc, nghiệp vụ thủ công dư thừa hiện tại.

“Doanh nghiệp phải nâng cấp một số hệ thống thực hiện giao dịch bằng hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến, áp dụng hệ thống mã vạch, công nghệ AI trong thông quan điện tử, theo dõi quản lý hàng hóa… Nếu làm tốt sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu công việc tay chân chiếm một phần chi phí khá lớn; giảm thời gian và rủi ro liên quan đến giao dịch tài chính; tăng tính chính xác và tốc độ xử lý”, ông Linh nói.

Cũng theo ông Linh, thực hiện chuyển đổi số trong logistics quan trọng nhất là có một cơ quan đầu não dẫn dắt triển khai để các kế hoạch đi theo. Nếu không có cơ quan xúc tiến việc này có thể bị trì trệ, chệch hướng.

Đồng tình, ông Phạm Văn Tài – Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP – cho biết, chuyển đổi số trong logistics là quá trình sử dụng công nghệ số hóa để cải thiện hiệu quả và tăng cường quản lý trong hoạt động vận chuyển, thông quan hàng hóa. Việc này góp phần tăng cường hiệu quả và năng suất; nắm bắt cơ hội kinh doanh  mới; tăng cường quản lý an ninh; bình đẳng trong tiếp cận; đáp ứng nhanh chóng trước sự thay đổi hiện nay; cải thiện chăm sóc và dịch vụ khách hàng; gia tăng lợi nhuận.

Ông Tài dẫn chứng, Singapore xây dựng hệ thống thông tin đồng nhất và tích hợp, phát triển hệ thống thông tin liên ngành; Hà Lan áp dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) và hệ thống thông tin địa lý (GIS); Đức tạo ra một hệ thống thông tin logistics thông minh, kết nối để quản lý và theo dõi hoạt động vận chuyển hàng hóa.

TP.HCM cũng đã xây dựng hệ thống cảng biển, là cửa ngõ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu của cả vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ. Giải pháp đặt ra là xây dựng hệ thống quản lý thông tin hàng hóa trực tuyến; áp dụng công nghệ IoT; sử dụng công nghệ Blockchain; tích hợp hệ thống thông tin và giao tiếp ứng dụng. Song song đó là đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân lực.

Phú Cát

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)