Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngành logistics Việt Nam:Tiềm năng lớn, cơ hội nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhận định của Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam (VIFFAS), hiện, cả nước có khoảng 900 – 1.000 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm tỷ lệ 80% thị phần cả nước, 5% thuộc về DN liên doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, những cơ hội, thương vụ lớn luôn rơi vào con số 5% (các DN nước ngoài như APL, NYK, Maersk Logistics…).

Cụ thể, Unilever Việt Nam chọn Linfox (Úc), hệ thống bán lẻ Kmart chọn APL Logistics hay Adidas chọn APL Logistics…, DN Việt Nam chỉ còn tham gia ở các phân khúc đại lý cung cấp dịch vụ.

Cảng Cái Mép – Ảnh: Quý Hòa

Không thể phủ nhận ngành logistics ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn phôi thai. Quy mô DN cung cấp dịch vụ logistics nhỏ, kinh doanh manh mún.

Ngoại trừ những DN logistics lớn của Việt Nam như Sotrans, Vietrans, Gemadept… với số vốn xấp xỉ 1 triệu USD, số còn lại đa phần có vốn đăng ký kinh doanh dưới 1,5 tỷ đồng, thậm chí có DN chỉ đăng ký vốn kinh doanh từ 300 – 500 triệu đồng.
Ông Ngô Mạnh Hà, người sáng lập Công ty Panasato, 100% vốn Việt Nam, cho biết, để đầu tư một DN có kho bãi, đội xe, làm đại lý… cần một số vốn không nhỏ.
Bởi vì, dịch vụ logistics là một quá trình kép kín từ việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát hàng hóa đến nơi tiêu thụ cuối cùng là người tiêu dùng. Logistics gồm rất nhiều dịch vụ như vận tải, kho bãi, xếp dỡ…
Thực vậy, lý do mà Unilever chọn Linfox Việt Nam cung ứng dịch vụ logistics cũng vì Linfox đáp ứng được yêu cầu mà khách hàng cần. Tập đoàn này đã đầu tư 3 triệu USD trang bị thiết bị, hệ thống kiểm soát Warehouse Management System cho Trung tâm phân phối Unilever.
Hay sự kiện Maersk Logistics đã đầu tư xây dựng kho chứa rộng 14.000m2 tại Thủ Đức (TP.HCM) năm 2003 và tiếp tục tăng gấp đôi diện tích kho chứa một năm sau đó trước khi trở thành công ty nước ngoài đầu tiên tự đầu tư và điều hành kho bãi tại Việt Nam.
Chính vì vậy, rất khó để DN Việt Nam chiếm ưu thế trong lĩnh vực này. Do đó, số lượng DN ra đời nhiều, nhưng năng lực lại không phát triển được.
Ông Nguyễn Trường Chiến, chuyên gia kinh tế về tái cấu trúc, quản trị chiến lược, Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group nhận định, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nước ngoài vẫn có khoảng trống cho các DN vừa và nhỏ, thậm chí sống khỏe. Song, điều mà họ nên làm là phải biết tìm hiểu thị trường và tránh chủ quan.
Khi năng lực cung ứng về dịch vụ, sản phẩm ngày càng cao, đòi hỏi ở thị trường những dịch vụ hoàn hảo. Sức hấp dẫn sẽ không chỉ ở giá cả mà còn ở giá trị của dịch vụ. Đối với khía cạnh này, cơ hội tại thị trường logistics lại dành các DN nội địa.

Theo bảng xếp hạng hoạt động của ngành logistics trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2010, thị trường Việt Nam xếp thứ 53 trên tổng số 155 nền kinh tế, với trên 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ logistics…

Ngành logistics Việt Nam được xem là có nhiều cơ hội phát triển khi gia nhập WTO vào năm 2007 thông qua nhiều hiệp định thương mại song phương với nhiều quốc gia trên thế giới.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của WCA Family of Logistic Networks, dành cho các đơn vị vận tải hàng đầu thế giới, tổ chức tại TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội David Yokeum, cho biết, có 4 yếu tố góp phần thành công cho ngành logistics của một quốc gia gồm: cảng, viễn thông, đường bộ và hàng không.
Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rất mạnh ngành logistics. Độ phục hồi kinh tế cộng hưởng với việc phát triển cơ sở hạ tầng nhanh. Đây sẽ là nền tảng tốt để nền công nghiệp logistisc Việt Nam phát triển trong tương lai.
Thật vậy, hiện nay, nhiều DN sản xuất vẫn chọn xu hướng thuê công ty logistics thực hiện công việc hậu cần. Bởi vì, chi phí hậu cần chiếm khoảng 10 – 5% chi phí giá thành sản phẩm. Nhưng để đầu tư cả hệ thống thì chi phí cố định sẽ tăng lên đến 40 – 60%. Do đó, đây sẽ là thị phần cho các DN logistics trong nước.
Theo thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam, lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics là vận tải biển, có đến 90% hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển.
Song, DN trong nước mới chỉ chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại đang bị chi phối bởi các DN nước ngoài.
Với vốn ít, yếu về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kém, việc các DN trong nước sẽ chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực logistics là điều không thể. Thế nhưng, điểm mạnh của DN trong nước là đại lý cung cấp dịch vụ vì lợi thế thông thuộc địa hình, nhu cầu.
Do đó, nếu có sự điều chỉnh lại cách làm việc, định vị lại phân khúc thị trường và mở rộng sự hợp tác nhiều đơn vị với nhau, sẽ tạo nên thế mạnh cho các DN nhỏ và vừa.
“Đừng quên học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia mạnh có ngành dịch vụ tốt nhất trên thế giới như EU, Mỹ, Úc, Nhật, Singapore, Thái Lan… đó chính là cách DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong thị trường logistics”, ông David Yokeum cho biết
PHAN LÊ / DNSG

Bình luận (0)