Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ngành nào đang cần nhiều nhân lực?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngành nào đang cần nhiều nhân lực? Ngành nào mang tên "Hot"? Học ngành nào khi ra trường sẽ dễ dàng kiếm được công việc?

Những ngành cần nhiều nhân lực
Theo các chuyên gia tư vấn, học sinh chọn nghề “hot” là một hiện tượng khá phổ biến. Học sinh chỉ biết ngành đó đang “hot” hiện nay nhưng lại quên rằng phải trải qua một chặng đường dài học ĐH, CĐ phải 3-4 năm nữa mới ra trường.
TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Học sinh Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM nói: “Theo tôi, sẽ không có ngành, nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới. Vì nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực. Vấn đề mấu chốt là mỗi học sinh phải xác định được tâm huyết theo sở trường cá nhân, chọn ngành học phù hợp năng lực, sức khỏe và phù hợp với nhu cầu xã hội.
ThS. Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết: Tại TPHCM từ nay đến 2015 bình quân thu hút 300 ngàn lao động/năm, ở các tỉnh cần 30-50 ngàn lao động/năm.
Theo tổng hợp và phân tích của TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM và TS. Lê Thị Thanh Mai thì tại TPHCM nhu cầu nhân lực giai đoạn 2013-2015 xu hướng đến năm 2020 thì số chỗ việc làm của 4 nhóm ngành kinh tế chủ lực như sau: Cơ khí chế tạo chính xác – Tự động hóa: 8.100 người/năm, Điện tử – Công nghệ Thông tin: 16.200 người/năm, Chế biến thực phẩm: 10.800 người/năm, Hóa chất – Hóa dược – Mỹ phẩm: 10.800 người/năm.
Cũng theo hai tiến sĩ trên thì trong những năm tới nhu cầu nhân lực 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm tại TPHCM cần khá nhiều nhân lực (người/năm): Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng: 10.800, Giáo dục: 13.500, Du lịch: 21.600, Y tế – Chăm sóc sức khỏe: 10.800, các ngành: Thị trường bất động sản, thị trường Công nghệ, Thương mại quốc tế, Dịch vụ cảng, Kho bãi, Logistic, Bưu chính viễn thông: mỗi ngành có số chỗ việc làm khoảng 8.100 chỗ/năm.
Những ngành nghề khác như: Marketing, Dịch vụ – phục vụ, Dệt may- Giầy da, Quản lý hành chính, Xây dựng thì mỗi năm cũng đều có số chỗ việc làm từ 10.000 trở lên.
TS. Mai cũng đưa ra dự báo nhu cầu trình độ nghề giai đoạn 2012-2015 và xu hướng đến năm 2020.
Theo đó lượng ngành nghề cần trình độ trên ĐH có số chỗ làm việc (người/năm) là 13.500, trình độ ĐH: 40.500, CĐ: 35.100, Trung cấp: 45.900, Công nhân kỹ thuật: 40.500, Sơ cấp nghề:27.000, Lao động phổ thông: 67.500.
Từ số liệu dự báo trên, TS. Mai nhận định: Thị trường lao động đang cần rất lớn nguồn nhân lực giỏi nghề đó là những kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ cao đẳng, trung cấp, Công nhân kỹ thuật lành nghề.
Học ngành mình thích dễ thành công
ThS. Trần Anh Tuấn khuyên: “Các em nên chú ý khi lựa chọn ngành nghề là không chạy theo số đông. Nếu vì có bằng ĐH mà chọn ngành không phù hợp sẽ khó khăn sau này vì trong tương lai các nhóm ngành đều đồng loạt phát triển. Người nào chọn đúng nghề, học tốt, có phấn đấu nâng cao năng lực sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn”.
Thực tế từ nhiều mùa tuyển sinh qua cho thấy, nhiều học sinh có học lực trung bình hoặc khá nhưng vẫn quyết thi vào các trường, các ngành có điểm chuẩn khá cao.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2013, không ít học sinh băn khoăn liệu học lực trung bình, khá có thể thi vào các trường như ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM… không? ThS. Huỳnh Trương Lệ Hồng, Phó trưởng ban Đào tạo khoa điều dưỡng và kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TPHCM khuyên: Trường ĐH Y dược TPHCM năm nay đào tạo cả 3 bậc học ĐH, CĐ và trung cấp. Tùy vào sức học của học sinh mà các em chọn bậc học phù hợp.
Nhiều học sinh băn khoăn: Bản thân thích ngành này nhưng vì năng lực và tài chính gia đình không đáp ứng được nên đành chọn ngành khác.
Vậy sau này có cách nào để học ngành theo sở thích của mình hay không? TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TPHCM) nói không phải ai học xong cũng làm đúng chuyên ngành đã học.
Nhiều người làm trái ngành nhưng họ vẫn thành đạt. Và nhiều ngành không nhất thiết buộc phải học đúng chuyên ngành mới làm được. Ví như ngành báo chí thì không phải tất cả những người làm báo đều học ngành báo chí, họ có thể học luật, công tác xã hội… Vấn đề là họ có năng khiếu về báo chí.
Như vậy nếu học sinh yêu thích một nghề, ngành nào đó như năng lực bản thân, điều kiện gia đình không cho phép thì các em có thể chọn một ngành khác học rồi sau đó ra trường chúng ta có thể học văn bằng hai ngành mà mình thích.
Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)