Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngành nào thu hút nhân lực?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt đặt câu hỏi cho Ban tư vấn
Cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2015 có gì khác so với kỳ thi các năm trước? Có thể xét tuyển cùng lúc vào hai trường tốp trên không? Những ngành nghề nào đang có nhu cầu nhân lực cao?… Đó là những băn khoăn của các em học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP.HCM) tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua.
Cân nhắc kỹ trước khi đăng ký xét tuyển
Tại phần tư vấn chung, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã giải đáp các thắc mắc về những vấn đề nổi bật trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 mà học sinh và giáo viên rất quan tâm. Trong đó hai vấn đề là cấu trúc đề thi năm nay sẽ thay đổi như thế nào và TP.HCM có mấy cụm thi được nhiều học sinh quan tâm nhất. TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “TP.HCM có 6 cụm thi dành cho học sinh trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Riêng học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt có khả năng sẽ thi tại trường khác, có thể thi ở cụm do ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc Trường ĐH Nông lâm TP.HCM phụ trách. Cấu trúc đề thi năm nay sẽ giống với đề thi của ĐH các năm trước; theo đó đề sẽ dài hơn giống với thời lượng đề thi ĐH với môn trắc nghiệm 90 phút, môn tự luận 180 phút (đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước: Môn trắc nghiệm 60 phút và tự luận 120 phút). Đề thi năm nay có một số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 10 và lớp 11, trong khi đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước nằm trong chương trình lớp 12”.
Ngoài ra, với những thay đổi khi gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ thành một kỳ thi THPT quốc gia, các em học sinh băn khoăn liệu có thể cùng lúc nộp phiếu xét điểm vào hai trường tốp trên được không?
Em Nguyễn Thành Đạt (học lớp 12A1) phân vân: “Em có nghe thông tin sau khi có điểm thi, thí sinh sẽ được cấp 4 phiếu điểm, vậy em có thể dùng 1 phiếu điểm để xét vào hai trường ĐH ở tốp trên trong cùng một đợt hay không?”. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa phân tích: “Theo dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, sau khi có kết quả thi THPT, thí sinh nào đỗ tốt nghiệp sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch khác nhau. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt, mỗi đợt trong thời gian 20 ngày và mỗi đợt thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy mã vạch tương ứng. Chẳng hạn, đợt 1 xét tuyển từ ngày 15-8 đến 5-9, thí sinh chỉ được dùng phiếu số 1 có 4 ô đăng ký chọn và có thể chọn 4 ngành của cùng một trường. Điều này giúp các trường chống được số thí sinh “ảo”. Nếu trúng tuyển đợt 1 thì 3 phiếu còn lại không còn hiệu lực. Bộ GD-ĐT sẽ dùng công nghệ thông tin để khống chế nên thí sinh không thể đăng ký hai trường vào cùng 1 đợt. Theo dự đoán, những trường lớn như ĐH Y dược, ĐH Ngoại thương… chỉ xét tuyển đợt đầu là đạt chỉ tiêu rồi nên khó xét tuyển thêm đợt 2. Vì vậy các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký xét tuyển”.
Nhân lực ngành nào thu hút trong tương lai?
Cùng với những băn khoăn về cách xét tuyển vào các trường ĐH thì vấn đề việc làm sau khi ra trường cũng được các em học sinh đặc biệt quan tâm. Trong đó, nhóm ngành kinh tế – tài chính và kỹ thuật công nghệ được các em đặt câu hỏi nhiều nhất.
Nói về nhóm ngành kinh tế – tài chính, bà Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM (UEF), cho biết: “Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhóm ngành kinh tế – tài chính hiện đang chiếm khoảng 33% trong tổng số nhân lực, đứng thứ 2 chỉ sau nhóm ngành kỹ thuật công nghệ. Trong tương lai xã hội tiếp tục cần nhiều nhân lực ở nhóm ngành này. Tuy nhiên, việc theo đuổi nhóm ngành này sẽ bấp bênh nếu các em chưa có sự đầu tư đúng mức, chưa đủ năng lực và thái độ làm việc. Năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, các trường phải hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao để trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết khi làm việc với người nước ngoài. Vì thế, ngoài kiến thức chuyên môn, các em phải trang bị kỹ năng lực ngoại ngữ, thái độ, tác phong làm việc…”.
Đối với nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, ông Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), chia sẻ: “Nhóm ngành kỹ thuật công nghệ là nhóm ngành nền tảng, hiện hữu rất nhiều trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam, nhóm ngành này rất cần nhân lực (chiếm khoảng 35% trong tổng số nhân lực); đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Muốn theo học nhóm ngành này, các em phải học khá giỏi các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh…
Bài, ảnh: Minh Châu
“Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhóm ngành kinh tế – tài chính hiện đang chiếm khoảng 33% trong tổng số nhân lực, đứng thứ 2 chỉ sau nhóm ngành kỹ thuật công nghệ. Trong tương lai xã hội tiếp tục cần nhiều nhân lực ở nhóm ngành này…”, bà Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM (UEF), cho biết.
 

Bình luận (0)