Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trong một lần giao lưu với SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – Hà Nội – Ảnh: T.Hà – T.Long |
Ngành “mở” đầy cạnh tranh
Không như hình dung ban đầu của nhiều bạn trẻ, con đường trở thành chuyên viên ngoại giao không hề “trải hoa hồng” mà lại đầy thử thách và cạnh tranh. Không những thế, môi trường làm việc của ngành này cũng hết sức căng thẳng. Một ngày làm việc của Nguyễn Vũ Hùng, công tác tại Bộ Ngoại giao, bắt đầu lúc 7 giờ 30 và chỉ kết thúc khi mọi nhiệm vụ đã hoàn tất.
Theo anh, “nếu không có đủ trình độ và tài năng bạn sẽ nhanh chóng bị đào thải”. Sinh viên ngoại giao, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã được đào tạo bài bản với một lượng kiến thức rộng bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: quan hệ quốc tế, kinh tế, luật… và có lợi thế đặc biệt về ngoại ngữ. Nhưng nhà trường không thể cung cấp mọi kiến thức cần thiết cho công việc “mở” như ngành ngoại giao.
Vì thế, khi còn là sinh viên khoa Quan hệ quốc tế trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – Hà Nội, ngoài việc học trong sách vở, giáo trình, Hùng còn không ngừng tự học để tích lũy kiến thức. Ra trường anh vẫn học thêm và thường xuyên theo dõi để kịp thời tham dự các kỳ thi tuyển công chức của Bộ Ngoại giao. Năm 1997, anh trúng tuyển. Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và những chuyến công tác nước ngoài (dù chỉ ở các nước châu Á) đã tạo cơ hội cho Hùng mở rộng tầm mắt và học hỏi được nhiều điều mới mẻ.
Tuy nhiên, theo anh, các bạn trẻ học ngành ngoại giao nên cố gắng tận dụng mọi cơ hội việc làm kể cả những ngành không thuộc ngoại giao. Do được đào tạo trong môi trường năng động với vốn kiến thức rộng, lợi thế về ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp tốt, sinh viên ngoại giao ra trường có thể nhanh chóng thích ứng với nhiều công việc khác nhau như: biên tập viên, phóng viên, PR, truyền thông, quảng cáo, chuyên viên chăm sóc khách hàng…
Làm ngoại giao dễ hay khó?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trong một buổi giao lưu với sinh viên đã cho biết: Muốn làm giỏi một nghề, trước tiên phải hiểu và yêu nó. Ngoại giao không đơn giản là hành vi nghi lễ. Ngoại giao bao gồm từ những việc nhỏ như chuẩn bị tiệc chiêu đãi, đón tiếp các đoàn khách, ghi biên bản cuộc họp đến những việc đại sự như nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước để xây dựng chính sách, đàm phán ký kết các hiệp định, tham dự các sinh hoạt, hội nghị quốc tế…
Vì tính chất đa dạng phức tạp của nghề này mà người làm ngoại giao, ngoài lòng yêu nghề còn cần có những tố chất bắt buộc: Có hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực, có bản lĩnh để kiên trì bảo vệ lợi ích dân tộc và không bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, có sự linh hoạt nhạy bén để tìm ra giải pháp cho các vấn đề khó khăn, và cuối cùng cần có sự cẩn thận, tuyệt đối cẩn thận. Những người thiếu cẩn thận không nên làm ngoại giao vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại. Mà cái hại này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn gây tổn hại đối với quốc gia, dân tộc.
Mặt khác, chỉ tiêu tuyển dụng của các viện nghiên cứu hợp tác quốc tế, phụ trách đối ngoại, đặc biệt ở Bộ Ngoại giao là không nhiều. Thậm chí nhiều nơi có năm còn không có chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ. Thay vì cố vượt qua cánh cửa hẹp đó, bạn trẻ có thể linh hoạt lựa chọn những hướng đi khác. Nguyễn Anh Tú, sinh viên vừa tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, đã quyết định ngồi vào vị trí chuyên viên phòng Chăm sóc khách hàng của một ngân hàng, công việc mà theo cậu có thể vận dụng những kiến thức đã học trong trường. Ngoài ra, Tú đang dự định học thêm bằng MBA ở Úc và tìm những cơ hội mới.
Học ngành ngoại giao ở đâu ? Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Khoa Quan hệ quốc tế. Thế mạnh: Đào tạo chuyên sâu về kiến thức nền, kiến thức lý luận và nghiên cứu. Trường ĐH dân lập Đông Đô: Khoa Quan hệ quốc tế gồm 3 chuyên ngành: Quan hệ đối ngoại, Thông tin – Văn hóa quốc tế và Quan hệ kinh tế quốc tế. |
Phan Trang (TNO)
Bình luận (0)